Xúc tiến thương mại thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam và Cộng hòa Séc

07:50' - 29/11/2019
BNEWS Phòng Thương mại Cộng hòa Séc cho biết, khó khăn chủ yếu đối với doanh nghiệp Séc trong việc đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam là cạnh tranh với các doanh nghiệp châu Á về chi phí sản xuất.
Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đều tăng ở mức hai con số nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 28/11, tại Trung tâm thương mại SAPA ở thủ đô Praha, Cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc phối hợp với Bộ Công thương và Phòng Thương mại Séc tổ chức Tọa đàm “Xúc tiến thương mại và đầu tư Việt-Séc” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc.

Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hoàng Quốc Vượng, Đại sứ Việt Nam tại Séc Hồ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Séc Borivoj Minar, đại diện Bộ Công Thương Séc, lãnh đạo Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Séc cùng đại diện 11 doanh nghiệp Việt Nam, 23 doanh nghiệp Séc và 24 doanh nghiệp người Việt tại Séc.

Trong phần phát biểu, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, Đại sứ Hồ Minh Tuấn và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Séc Borivoj Minar đều đánh giá cao sự phát triển tích cực của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc ghi dấu qua nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, gần đây nhất là chuyến thăm Cộng hòa Séc tháng 4/2019 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. '

Mối quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp là cơ sở vững chắc để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm đều tăng ở mức hai con số (đạt 1,2 tỷ USD năm 2018 và 900 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2019). Tuy nhiên, quan hệ kinh tế-thương mại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Đại sứ Hồ Minh Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020 và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết và sớm đi vào thực hiện, việc tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp hai nước sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư song phương một cách hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết chính phủ hai nước đã thông qua cơ chế Ủy ban hỗn hợp liên chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư và kinh doanh. Việc cần làm hiện nay là tổ chức các hoạt động thiết thực để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng chia sẻ về tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh Việt Nam là cửa ngõ để các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường ASEAN - một khu vực kinh tế năng động trên thế giới với quy mô dân số hơn 600 triệu dân.

Việt Nam là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, nền kinh tế mở với quy mô kinh tế trên 300 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có hiệp định EVFTA mới được ký kết hồi tháng 6/2019 và sớm có hiệu lực.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Séc Borivoj Minar bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam, cho rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực.

Ông Borivoj Minar cho rằng mặc dù Séc đang thâm hụt thương mại trong trao đổi thương mại giữa hai nước, nhưng đây không phải là vấn đề đối với Séc. Việt Nam xuất khẩu sang Séc những mặt hàng tiêu dùng phù hợp với nhu cầu của người dân Séc, trong khi Séc mong muốn xuất khẩu các sản phẩm công nghệ trong các lĩnh vực thế mạnh như khai khoáng, môi trường, quốc phòng sang Việt Nam.

Theo ông Borivoj Minar, một trong những khó khăn chủ yếu đối với doanh nghiệp Séc trong việc đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam là cạnh tranh với các doanh nghiệp châu Á về chi phí sản xuất. Để thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữ hai nước, cần tăng cường các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp hai nước, nhất là thảo luận về tiềm năng và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Phía Séc sẵn sàng tổ chức các đoàn doanh nghiệp theo ngành nghề cũng như các doanh nghiệp của các địa phương sang Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, cho rằng sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước đối với việc hợp tác của các doanh nghiệp và hiệp định EVFTA là những điều kiện thuận lợi quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Cộng đồng người Việt tại Séc nói chung và các doanh nghiệp người Việt tại Séc nói riêng sẵn sàng sàng làm cầu nối để kết nối giữa các doanh nghiệp hai nước, trong đó có việc tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Séc.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng và Phó Chủ tịch Phòng thương mại Séc Borivoj Minar đều cho rằng hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại song phương trong thời gian tới, nhất là việc hiệp định EVFTA đã được ký kết và sớm đi vào thực hiện.

Ông Hoàng Quốc Vượng chia sẻ: “Quan tâm hàng đầu hiện nay của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Cộng hòa Séc là mong muốn đưa quan hệ thương mại-đầu tư tương xứng với tiềm năng cũng như quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Trong những năm tới, hai bên có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để tăng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương. Thứ nhất, EVFTA đã được ký kết và hiện nay cả EU và Việt Nam đang tích cực triển khai quá trình phê chuẩn.

Hiệp định này có hiệu lực sẽ tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp EU cũng như Việt Nam trong hợp tác kinh doanh và đầu tư. Thứ hai, chính phủ hai nước rất quan tâm tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Séc kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư kinh doanh tại Séc. Thứ ba, chúng ta rất tích cực tổ chức các diễn đàn để doanh nghiệp hai nước có thể gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong đầu tư, kinh doanh”.

Trong khi đó, ông Borivoj Minar đánh giá: “Hiệp định EVFTA mang lại lợi ích quan trọng cho các doanh nghiệp Séc, bởi vì khoảng 85% số lượng hàng xuất khẩu của Séc sang Việt Nam sẽ được miễn thuế. Chúng tôi muốn xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam để phục vụ sản xuất. EVFTA cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu hàng hóa sang Séc”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục