Xung quanh khả năng Canada chuẩn bị đàm phán FTA với Trung Quốc

05:30' - 01/12/2017
BNEWS Theo bài viết trên trang iPolitics.ca của tác giả Tasha Kheiriddin, việc theo đuổi một FTA song phương với Trung Quốc vào thời điểm này là một ý tưởng tồi đối với Canada xét trên nhiều góc độ.
Xung quanh khả năng Canada chuẩn bị đàm phán FTA với Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo nguồn tin chưa chính thức, Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ tới thăm Trung Quốc từ ngày 2-8/12 với trọng tâm chính nhằm khởi động tiến trình đàm phán thoả thuận thương mại tự do (FTA) song phương sau nhiều tháng chuẩn bị, đàm phán thăm dò và lấy ý kiến người dân. 

Tuy nhiên, việc theo đuổi một thoả thuận như vậy với Trung Quốc vào thời điểm này không chỉ huỷ hoại nền kinh tế Canada và quan hệ thương mại quan trọng với Mỹ, mà còn đe doạ đến những giá trị lớn hơn, trong đó có nền dân chủ của Canada.

 Khác với Canada, Trung Quốc áp dụng lối cai trị độc đoán không chỉ ở trong nước. Nhà nước Trung Quốc còn gây áp lực với cộng đồng Hoa kiều trên toàn thế giới nhằm thúc đẩy một chương trình nghị sự thông qua cái gọi là “nỗ lực thống nhất”.

Nỗ lực này nhằm gia tăng “quyền lực mềm” của Trung Quốc trên toàn cầu và được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Tập Cận Bình hiện nay.

Năm 2013, khi được hỏi chính quyền nước nào đáng được ngưỡng mộ nhất, ông Trudeau đã đưa ra câu trả lời nổi tiếng khi nói rằng ông “”dành sự ngưỡng mộ của mình cho Trung Quốc vì nền cai trị độc tài của họ cho phép Trung Quốc xoay chuyển nền kinh tế”.

 Theo tác giả Tasha Kheiriddin, đúng là thúc đẩy thương mại tự do với Trung Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp Canada khai thác thị trường rộng lớn lên tới 1,3 tỷ dân. Tuy nhiên, Canada không nên ký kết FTA với Trung Quốc đến khi nào chính phủ nước này thay đổi chế độ độc tài cũng như chính sách bành trướng của mình.

Sự thay đổi của Trung Quốc là điều sẽ không bao giờ xảy ra. Canada cũng vậy, nước này không nên theo đuổi một thoả thuận có thể làm giảm đi các giá trị và tiêu chuẩn của mình.

Lâu nay, Chính phủ của Thủ tướng Trudeau luôn thể hiện thiện chí với Trung Quốc, lớn hơn rất nhiều so với chính phủ Bảo thủ tiền nhiệm của Thủ tướng Stephen Harper. Chính phủ Trueau không chỉ cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp quản nền tảng công nghệ nhạy cảm, mà còn phê duyệt các thương vụ giá trị cao mà không thực hiện kiểm tra an ninh theo quy định.

 Cụ thể hồi tháng 3/2017, Nội các Canada đã đảo ngược quyết định của Chính phủ Harper về việc ngăn công ty O-Net Communications của Hong Kong (Trung Quốc) mua công ty công nghệ ITF ở Montreal. Việc mua công ty công nghệ ITF sẽ cho phép O-Net Communications tiếp cận "công nghệ laser quân sự tiên tiến”.

 Tiếp đó vào tháng 6, Chính phủ Canada cho phép hãng viễn thông Hytera Communications của Trung Quốc tiếp quản công ty Norsat International Inc. tại Vancouver, bất chấp cảnh báo của phía Mỹ. Norsat hiện đang cung cấp các vệ tinh viễn thông cho quân đội của nhiều nước, còn Hytera có giao dịch kinh doanh với các cơ quan an ninh của Trung Quốc.

 Ngoài ra, Canada cũng đã thông qua việc bán chuỗi nhà dưỡng lão tại tỉnh British Columbia cho Anbang, một trong những công ty lớn nhất của Trung Quốc thường xuyên theo đuổi các thương vụ mua bán và đầu tư ở nước ngoài.

 Gần đây nhất, vào tháng trước, CCCC International Holding Ltd., một công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đã mua lại công ty xây dựng Aecon Group Inc. của Canada với giá 1,5 tỷ USD. Aecon Group Inc. là đơn vị xây dựng tháp CN Tower, các căn cứ quân sự, nhiều trường đại học và trạm sản xuất hạt nhân Darlingto./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục