Yếu tố địa chính trị tác động đến thị trường khí đốt châu Âu

16:49' - 18/11/2024
BNEWS Dòng khí đốt từ Nga tới Áo đã bị tạm ngừng từ ngày 15/11 do tranh chấp về giá cả. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu khí đốt khác ở châu Âu đã nhanh chóng mua lại lượng khí đốt chưa được bán của Nga.

Trước khi cuộc xung đột tại Ukraine (U-crai-na) bùng phát, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, khiến nước này mất đi phần lớn khách hàng tại khu vực này.

 

Hiện tại, Nga vẫn cung cấp một lượng lớn khí đốt cho Slovakia, Hungary và Cộng hòa Czech, dù nước này không có hợp đồng trực tiếp. Một lượng dầu ít hơn vẫn được chuyển tới Italy và Serbia.

Ngày 16/11, tập đoàn Gazprom- tập đoàn dầu khí quốc doanh Nga- đã ngừng cung cấp khí đốt cho tập đoàn năng lượng lớn nhất Áo, OMV sau khi OMV cảnh báo giữ lại khí đốt của Gazprom như một phần bồi thường cho một phán quyết trọng tài về tranh chấp hợp đồng giữa hai bên.

Mặc dù nguồn cung khí đốt của Nga tới Áo vẫn bị gián đoạn vào ngày 17/11, song , theo xác nhận của Gazprom, tổng lượng khí đốt Nga cung cấp qua Ukraine - tuyến trung chuyển chính tới EU - vẫn duy trì ở mức 42,4 triệu m³ mỗi ngày. Đây là mức tương tự trước khi việc ngừng cung cấp khí đốt tới Áo diễn ra.

Trước khi Gazprom ngừng cung cấp khí đốt, Áo tiếp nhận khoảng 17 triệu m³ khí đốt mỗi ngày từ Nga, và lượng khí đốt này đã được bán lại cho các người mua khác tại châu Âu.

Công ty năng lượng quốc doanh SPP của Slovakia xác nhận vẫn nhập khẩu khí đốt từ Nga và cho biết nhu cầu với khí đốt Nga tại châu Âu vẫn cao. Một nguồn tin cho biết, khí đốt từ Nga vẫn rẻ hơn so với nhiều nguồn cung khác.

Áo cho biết họ đã chuẩn bị cho khả năng Nga dừng cung cấp khí đốt và có thể nhập khẩu khí đốt qua Đức, Italy, và Hà Lan để phục vụ khách hàng.

Thị trường khí đốt châu Âu hiện đang chịu ảnh hưởng từ các vấn đề địa chính trị và nguồn cung, đặc biệt khi hợp đồng trung chuyển khí đốt qua Ukraine dự kiến kết thúc vào cuối năm nay.

Nhiệt độ lạnh hơn tại châu Âu đã làm tăng nhu cầu sưởi ấm, dẫn đến việc kho dự trữ bị rút sớm hơn so với năm ngoái.

Ông Aldo Spanjer, chiến lược gia hàng hóa cao cấp tại BNP Paribas, nhận định: "Các yếu tố cung ứng và thời tiết đang tạo ra lo ngại về lượng dự trữ khí đốt cuối mùa Đông. Điều này có thể buộc EU phải mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào mùa Hè để đảm bảo mục tiêu lưu trữ"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục