Yếu tố nào hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phục hồi?

18:32' - 23/08/2024
BNEWS Bất động sản phục hồi, vốn FDI chảy vào Việt Nam tăng cao và giải ngân đầu tư công là những yếu tố hỗ trợ ngành xây dựng.

Giới phân tích nhìn nhận, ngành xây dựng đang đứng trước cơ hội phục hồi. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng được cho là sẽ phục hồi dần theo ngành bất động sản. Bên cạnh đó, xây dựng công nghiệp kỳ vọng tích cực nhờ vốn FDI chảy mạnh vào việt Nam; xây dựng hạ tầng những tháng cuối năm sẽ hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công.

Các chuyên gia từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, nguồn cung các dự án lớn tại Tp. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại nhờ các luật quan trọng về bất động sản đã có hiệu lực. Ước tính nguồn cung căn hộ năm 2024 và năm 2025 sẽ đạt hơn 36.000 căn hộ và 37.000 căn hộ, tăng 56% trong năm 2024 và tăng 5% vào năm 2025. Do đó, nhu cầu xây dựng sẽ tăng trở lại vào nửa cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, ACBS nhận thấy, những khó khăn của thị trường bất động sản đã qua đi khi số lượng dự án đăng ký và cấp mới đang có những dấu hiệu phục hồi từ đáy.

 

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, có 948 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô khoảng 421.353 căn. Số lượng dự án đang triển khai xây dựng bằng 115,22% so với quý IV/2023 và bằng 140,97% so với cùng kỳ năm 2023.

Với xây dựng công nghiệp, tính đến cuối tháng 7/2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 7 tháng của giai đoạn 2020-2024. Từ tín hiệu khả quan về thu hút đầu tư FDI, ACBS kỳ vọng nhu cầu xây dựng nhà xưởng và nhà máy sẽ tiếp tục tăng cao.

Việc xây dựng các công trình công nghiệp cũng giúp cho các công ty trong ngành xây dựng cải thiện biên lợi nhuận và gia tăng vòng quay tài sản. Nhận thấy được tiềm năng từ mảng xây dựng công nghiệp, các doanh nghiệp xây dựng đã dần gia tăng tỷ trọng của mảng kinh doanh này.

Đáng chú ý, Công ty cổ phần Xây dựng Conteccons (mã chứng khoán: CTD) đã gia tăng tỷ trọng xây dựng công nghiệp là 41% trong nửa đầu năm 2024, tăng mạnh từ mức 14% trong năm 2022.

Với xây dựng hà tầng, nửa đầu năm nay, lĩnh vực này phát triển chậm do tiến độ giải ngân đầu tư công không như kỳ vọng. Vốn thực hiện ngân sách nhà nước là 244.400 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2024, đạt 33,8% kế hoạch. Giá trị giải ngân không còn tăng mạnh như năm 2023, thậm chí giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải còn thấp hơn cùng kỳ năm 2023.

ACBS cho biết, theo các ban ngành và địa phương, lý do chính của sự chậm trễ là: Chờ nghị định, thông tư hướng dẫn đối với Luật Đấu thầu mới có hiệu lực, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các dự án; tình trạng thu xếp vốn tại địa phương bị chậm chủ yếu liên quan tới việc bán đất.

Tuy nhiên, ACBS kỳ vọng, nửa cuối năm, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng lên, đồng thời trùng khớp với thời điểm doanh thu của các công ty xây dựng gia tăng.

Một số dự án lớn trong giai đoạn 2023 – 2026: Các dự án trọng điểm Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh, đường Vành đai 4 Hà Nội, sân bay Quốc tế Long Thành được phân bổ tỷ trọng lớn, kỳ vọng sẽ giúp cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Đáng chú ý, hoạt động xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện đang theo đúng lộ trình Chính phủ đề ra.

Đến nay, cả nước có hơn 2.000 km cao tốc, Chính phủ yêu cầu phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000 km cao tốc trước ngày 31/12/2025. Tầm nhìn đến năm 2030, cả nước sẽ có 5.000 km đường cao tốc. Qua đó, tạo ra dư địa cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng phát triển.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng quý II/2024 tốt hơn quý I/2024, với 26,4% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn; 42,9% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và 30,7% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn. Dự báo quý III so với quý II, các doanh nghiệp xây dựng nhận định tốt lên với 28,8% doanh nghiệp dự báo thuận lợi hơn; 43,1% nhận định giữ ổn định và 28,1% dự báo khó khăn hơn.

Thực tế cho thấy, ngành xây dựng dù vẫn còn những khó khăn, nhưng con số thống kê chỉ ra những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ của ngành xây dựng.

Thống kê của FiinTrade (FiinTrade được phát triển bởi FiinGroup - công ty cung cấp thông tin tài chính, thông tin doanh nghiệp, nghiên cứu ngành và các dịch vụ phân tích dựa trên dữ liệu khác) cho thấy, ngành xây dựng và vật liệu có quý thứ 3 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cấp số nhân, khi quý IV/2023 đến quý II/2024 tăng trưởng lần lượt tăng 303,7%; tăng 2.260,6% và tăng 281,4% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể kể đến trường hợp như trường hợp của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC). Quý II/2024, dù công ty mẹ của Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần giảm 10% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt kỷ lục 730 tỷ đồng, tăng gần 21% so với quý II/2023.

Với Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD), năm tài chính 2024 (từ 1/7/2023-3/06/2024), doanh nghiệp có doanh thu thuần 21.045 tỷ đồng, tăng 31%; lãi ròng hơn 299 tỷ đồng, gấp 4,4 lần niên độ trước. Với kết quả này, Xây dựng Coteccons đã vượt kế hoạch cả năm.

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV) có mức lãi ròng quý II/2024 theo quý cao nhất lịch sử niêm yết.

Theo đó, doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 814 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 106 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 12% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này.

Hay như Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; mã chứng khoán: VCG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với lợi nhuận sau thuế đạt 163 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Dù đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng, nhưng những khó khăn của ngành xây dựng vẫn hiện hữu.

Tổng cục Thống kê cho biết, có 2 yếu tố thường ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng là “giá nguyên vật liệu tăng cao” và “không có hợp đồng xây dựng mới”.

Theo khảo sát trong quý II/2024, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là yếu tố “giá nguyên vật liệu tăng cao” với 47,1% số doanh nghiệp; yếu tố “không có hợp đồng xây dựng mới” với 46,9% số doanh nghiệp.

Dự báo trong quý III/2024, các doanh nghiệp cho rằng yếu tố “giá nguyên vật liệu tăng cao” ảnh hưởng nhiều nhất với 46,5% doanh nghiệp, yếu tố “không có hợp đồng xây dựng mới” với 41,6% doanh nghiệp.

Cũng theo Tổng Cục Thống kê, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xất kinh doanh, doanh nghiệp xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, có 44,8% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu; 43,5% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; 39,4% doanh nghiệp đề nghị thông tin đấu thầu cần công khai, minh bạch; 32,7% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính.

Có 27% doanh nghiệp đề nghị được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết; 24,8% doanh nghiệp đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục