Yếu tố nào sẽ dẫn đến sự sụp đổ của đồng bảng Anh?

06:30' - 23/09/2022
BNEWS Sự suy yếu gần đây của đồng bảng Anh đã khơi gợi những ký ức về giai đoạn đen tối trước đây, khiến một số người so sánh bảng Anh với một số đồng tiền của thị trường mới nổi.
Theo nhận định của Gene Frieda, chiến lược gia toàn cầu tại công ty quản lý đầu tư PIMCO (Mỹ), cách đây 30 năm, vào ngày 16/9/1992, các nhà đầu cơ đã buộc Chính phủ Anh từ bỏ việc gắn giá trị của đồng bảng Anh với Cơ chế Tỷ giá hối đoái châu Âu. Trong những ngày sau “Thứ Tư Đen tối” đó, đồng bảng Anh đã mất 15% giá trị. Đến đầu năm 1993, đồng bảng mất gần 1/3 giá trị.

Tuần trước, đồng bảng đã có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất so với USD kể từ năm 1985. Sự suy yếu gần đây của đồng bảng Anh đã khơi gợi những ký ức về giai đoạn đen tối trước đây, khiến một số người so sánh đồng bảng Anh với một số đồng tiền của thị trường mới nổi.

Nhưng so sánh như vậy là không chính xác. Cho dù tình hình kinh tế hiện tại của nước Anh có như thế nào, Vương quốc Anh vẫn duy trì được các thể chế mạnh mẽ, nền dân chủ và hồ sơ kinh tế với tăng trưởng khiêm tốn và lạm phát thấp. Câu hỏi đặt ra là, chính xác thì điều gì đã khiến đồng nội tệ của Anh giảm mạnh và liệu đồng bảng có thực sự gặp rủi ro khi nhà đầu tư mất niềm tin chung vào tài sản của Vương quốc Anh?

Giống như hầu hết các đồng tiền khác ngoại trừ USD và có lẽ là cả đồng euro, đồng bảng Anh thiếu các thuộc tính của một đồng tiền thống trị. Ngoài thương mại trong nước Anh và giữa một số quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung nhỏ, thế giới không có nhu cầu quốc tế tự nhiên đối với đồng bảng Anh.

Cũng không có số liệu rõ ràng cho thấy bảng Anh được giữ như một vật lưu trữ giá trị. Khi bất ổn xảy ra, trái phiếu chính phủ của Vương quốc Anh thường tăng giá trị nhưng đồng bảng Anh có xu hướng giảm so với USD. Đồng bảng Anh thiếu các đặc tính trú ẩn an toàn của đồng USD và một số đồng tiền khác mà các quốc gia thường lựa chọn để làm ngoại tệ dự trữ.

Điều này có nghĩa là giá trị của đồng bảng Anh, giống như hầu hết các loại tiền tệ khác, phụ thuộc vào việc các nhà đầu tư nước ngoài có xem xét các chính sách kinh tế của chính phủ một cách thận trọng hay không.

Ở một khía cạnh nào đó, việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) được coi là một cú sốc tiêu cực đối với lĩnh vực thương mại của nước này và do đó sức mạnh của đồng tiền cũng bị suy yếu. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng Anh có thể tiếp tục vay vốn giá rẻ hay không sau khi Anh “ly hôn” với đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Bằng chứng ban đầu cho thấy những quan ngại này đã bị thổi phồng quá mức, thể hiện qua việc thâm hụt tài khoản vãng lai của Anh, đã tăng từ 2,6% GDP trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này lên gần 4% GDP vào năm 2020. Tuy nhiên, nếu tính yếu tố điều chỉnh theo lạm phát, chỉ số này đã giảm trong thời kỳ hậu Brexit.

Gần đây, hóa đơn năng lượng tăng mạnh dẫn đến tài khoản vãng lai của Vương quốc Anh xấu đi, khiến thâm hụt tài khoản vãng lai tăng lên mức cao kỷ lục hơn 8% GDP trong quý I/2022 và chi phí đi vay cao hơn đáng kể.

Lòng tin vào đồng bảng cũng yếu, khi số liệu công bố ngày 12/9 cho thấy kinh tế Anh đang có dấu hiệu chịu sức ép do giá cả tăng mạnh. GDP của nước này trong tháng Bảy tăng 0,2% so với tháng Sáu, trong khi các nhà kinh tế dự báo tăng 0,4%.

Mặc dù Vương quốc Anh không phải là nền kinh tế phát triển duy nhất đang phải trải qua hậu quả của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, song theo nhà phân tích Gene Frieda, quyết định của chính phủ của Thủ tướng Liz Truss về giới hạn giá năng lượng trong nước của các hộ gia đình, nhằm hạn chế tác động của giá bán buôn cao hơn đối với người tiêu dùng, đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực tương tự như việc cố định tỷ giá hối đoái thất bại của Vương quốc Anh 30 năm trước. 

Ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Anh Liz Truss đã công bố gói hỗ trợ trị giá 150 tỷ bảng (180 tỷ USD) nhằm giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp Anh vượt qua cuộc khủng hoảng giá năng lượng. Theo đó hóa đơn trần năng lượng đối với các hộ gia đình được giới hạn ở mức 2.500 bảng/năm trong vòng 2 năm. Các doanh nghiệp cũng sẽ nhận được hỗ trợ tương tự, nhưng chỉ trong 6 tháng. Gói hỗ trợ khổng lồ dự kiến sẽ được lấy từ nguồn vay của chính phủ, thay vì yêu cầu các công ty năng lượng đóng góp thông qua thuế lợi tức tăng thêm (windfall tax) được áp dụng đối với ngành dầu khí vào cuối tháng Năm.

Được công bố chỉ 2 ngày sau khi bà Truss nhậm chức, gói hỗ trợ là phản ứng ngay lập tức của tân Thủ tướng Anh để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng như cam kết được bà đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Thủ tướng Liz Truss lên nắm quyền tại thời điểm nước Anh đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế, nổi bật là cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh Anh phụ thuộc vào khí đốt nhiều hơn các quốc gia châu Âu khác. Chi phí sinh hoạt và hóa đơn năng lượng leo thang, lạm phát 2 con số - mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm và dự kiến có thể vượt 20% vào năm 2023.

Tuy nhiên, nhà phân tích Gene Frieda chỉ ra rằng, nếu giá khí đốt bán buôn tăng cao, do Nga cắt giảm nguồn cung cấp tới châu Âu hoặc do các nhà cung cấp nước ngoài của Anh hạn chế xuất khẩu khí đốt để giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao đối với nền kinh tế trong nước của họ, chi phí của gói trợ cấp năng lượng này có thể tăng vọt. Với ngân sách chính phủ có khả năng bị ảnh hưởng, chi phí đi vay của nước này sẽ liên kết chặt chẽ với giá bán buôn khí đốt - yếu tố mà nước này không thể kiểm soát được.

Nói cách khác, Vương quốc Anh đang thiết lập cơ chế neo giá năng lượng mà sẽ khó duy trì về mặt tài chính và khó gỡ bỏ về mặt chính trị. Giá khí đốt tăng cao hơn nữa sẽ dẫn đến lãi suất tại Anh cũng tăng cao hơn. Với mức nợ cao của Anh, nền kinh tế đứng trước bờ vực rơi vào suy thoái sâu. Đồng bảng Anh có thể giảm sâu hơn khi nguồn tài chính nước ngoài cạn kiệt.

Shreyas Gopal, nhà chiến lược tiền tệ tại Deutsche Bank, đã cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ tương tự những năm 70 của thế kỷ trước, khi Anh phải cần đến một gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ông Gopal cho rằng niềm tin của nhà đầu tư nếu tiếp tục bị xói mòn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán, ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục