Yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của EU trong làn sóng dịch mới

05:30' - 30/08/2021
BNEWS Các phản ứng kinh tế mạnh mẽ trên toàn EU, cùng tỷ lệ tiêm chủng cao, đã giúp khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sôi động hơn.
Các nền kinh tế thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang trên đà hồi phục mạnh mẽ từ cuộc suy thoái kinh tế do hậu quả của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích vẫn lo ngại rằng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể ngăn chặn đà phục hồi này.

Trong năm 2021, các chỉ số kinh tế mới cho thấy Italy và Tây Ban Nha đang chứng kiến đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trong hơn 40 năm qua, với các mức tăng ước tính lần lượt là 5,6% và 6,2%. Những ước tính này cao hơn 0,6% và 0,3% so với các dự báo trước đó.

Trong khi đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - tuần trước đã điều chỉnh nâng ước tính tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Những kỳ vọng, bao gồm việc vaccine ngừa COVID-19 Pfizer do hãng dược phẩm BioNTech của nước này đồng sản xuất tiếp tục được phân phối rộng rãi, đã giúp cộng thêm 0,5 điểm phần trăm vào dự báo tăng trưởng kinh tế của quốc gia Trung Âu trong năm nay.

Tháng trước, Cơ quan Thống kê EU thông báo rằng các nền kinh tế thành viên trong khối 27 quốc gia đã ghi nhận mức tăng trưởng 13,2% trong quý II/2021 so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này cũng nên được nhìn nhận từ góc độ là đang so sánh với các chỉ số đã tụt xuống mức rất thấp của năm 2020, khi lục địa này hầu như thường xuyên ở trong tình trạng phong toả để ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2. Trong đó, Italy và Tây Ban Nha, vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch, là những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Các phản ứng kinh tế mạnh mẽ trên toàn EU, cùng tỷ lệ tiêm chủng cao, đã giúp khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sôi động hơn so với dự kiến của hầu hết các nhà phân tích.

Tej Parikh, Giám đốc hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, đã chia sẻ với Tân Hoa Xã rằng: “Việc mở cửa trở lại các ngành kinh doanh không thiết yếu đã giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán lẻ lên gần mức trước đại dịch. Có thể nói, động lực kinh tế từ việc mở cửa trở lại đang tăng lên”.

Tuy nhiên, ông Tej Parikh cũng lưu ý tốc độ lây lan nhanh đột biến của biến thể Delta vẫn đặt ra những "rủi ro giảm tốc lớn nhất" đối với các nền kinh tế châu Âu.

Đồng quan điểm này, chuyên gia Nicola Nobile đến từ nhóm nghiên cứu kinh tế độc lập Oxford Economics, cho biết trong một báo cáo rằng biến thể Delta có thể làm gia tăng số ca mắc COVID-19 (tại châu Âu), mặc dù "quá trình tiêm chủng có thể làm giảm số ca tử vong”.

Trong khi đó, Giáo sư kinh tế quốc tế Giuseppe De Arcangelis tại trường đại học Sapienza ở Rome nhận định những dữ liệu kinh tế mới nhất là "đáng yên tâm", mặc dù ông cũng bày tỏ một số lo ngại về những diễn biến tiếp theo của đại dịch.

"Từ những gì chúng ta có thể thấy, tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều điều không chắc chắn nên rất khó để tự tin. Mọi thứ có thể thay đổi trong chỉ một hoặc hai tuần”, Giáo sư này nói.

Giáo sư De Arcangelis cho biết sự không chắc chắn này đòi hỏi các chính phủ phải chuẩn bị nhiều kịch bản tăng trưởng hơn, cả ở cấp cao và cấp thấp, để đưa ra được một bức tranh hoàn chỉnh.

Giáo sư này cũng nhận thấy một kịch bản có thể xảy đến và khiến ông lo lắng, liên quan đến quá trình tiêm chủng vaccine: “Việc triển khai tiêm vaccine ở châu Âu đã rất thành công, và đó là lý do chính dẫn đến sự lạc quan đang hiện hữu, ngay cả khi biến thể Delta đã xuất hiện. Tuy nhiên, tôi lo ngại rằng chúng ta có thể cần thêm vaccine để duy trì sự tiến bộ đó. Tôi hy vọng chúng ta sẽ không gặp vấn đề về nguồn cung vaccine trong những tuần và tháng tới”.

>>Đức nhận 2,25 tỷ euro đầu tiên của EC để phục hồi kinh tế sau COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục