Từ "chuyện" của hoa Lily

14:26' - 07/02/2016
BNEWS Những ngày gần đây, xã hội rộ lên phong trào “giải cứu” hoa Lily ủng hộ nông dân Tây Tựu. Đó là cách để chia sẻ khó khăn với người nông dân, song đằng sau đó, vẫn là câu chuyện “biết rồi nói mãi”.
Các trang mạng xã hội rộ lên phong trào, chiến dịch “giải cứu” hoa Lily.Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Hoa Lily ngày càng trở nên phổ biến và được người dân Việt lựa chọn nhiều hơn trong các dịp lễ, Tết. Còn nhớ trước đây, mỗi cành hoa Lily có giá dao động từ 25.000 đồng tới 40.000 đồng/cành và thường chỉ được cung cấp bởi các thương hiệu như Đà Lạt Hasfarm, Đại Việt… hay các nhà vườn lớn tại Đà Lạt.

Thì nay, loài hoa này đã được trồng, nhân giống và phát triển ở hầu khắp các tỉnh thành thuộc khu vực phía Bắc. Năm nay, hoa Lily từ Mộc Châu, Sơn La, Thanh Hóa… và ở cả vùng ven Hà Nội như Tây Tựu đã tràn ngập thị trường và chỉ có giá 8.000 đồng/cành.

Những ngày gần đây, các trang mạng xã hội rộ lên phong trào, chiến dịch “giải cứu” hoa Lily ủng hộ nông dân Tây Tựu. Âu cũng là cách để chia sẻ khó khăn với người nông dân, song đằng sau đó, vẫn là câu chuyện “biết rồi nói mãi”.  

Trong nhiều chuyến thực địa tới các nông trại của hoa Đại Việt tại Đà Lạt, ông Lê Văn Liền, một trong những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu về hoa Lily cho biết, đây là giống hoa nhập khẩu, quy trình vận chuyển và bảo quản củ giống cũng như kỹ thuật gây trồng, chăm sóc đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe, thời gian sinh trưởng lâu nên chi phí đầu tư sản xuất rất lớn.

"Cũng vì giá thành củ giống cao, chi phí nhân công và đầu tư nhà kính, kho lạnh để bảo quản từ củ tới hoa thành phẩm… nên giá xuất xưởng từ 150.000 - 200.000 đồng/bó/5 cành là mức cạnh tranh, nhà vườn không lãi nhiều. Nhưng quan trọng hơn là vấn đề chất lượng vì nếu khách hàng tinh mắt sẽ nhận ra sự khác biệt giữa hoa của Hasfarm, hoa của công ty so với hoa vườn của nông dân."- ông Liền chia sẻ.

Cần tạo được chuỗi liên kết giữa người sản xuất và tiêu dùng để nâng cao giá trị của hoa Lily. Ảnh: Tuệ Linh/TTXVN.

Chị Vũ Thị Huế, chủ vựa kinh doanh hoa lớn nhất nhì chợ Quảng Bá, Tây Hồ cho biết, cách đây 5 năm, hoa Lily Đà Lạt dù có giá 220.000 - 250.000 đồng/bó, nhưng ra bao nhiêu hàng là hết bấy nhiêu. Dù đắt hơn nhiều so với hoa Trung Quốc, nhưng chất lượng đảm bảo lại có độ bền, chơi lâu nên nhiều khách hàng chỉ chọn hoa Lily Đà Lạt.

Tuy nhiên, vụ rộ chợ hoa Lily tại miền Bắc trong dịp Tết năm nay cũng khiến chị Huế không khỏi lo lắng và trăn trở. Chị Huế than, “giá rẻ như cho”, “hoa rẻ hơn rau” vậy mà vẫn ế là cớ làm sao. “Nhẩm tính, mỗi cành hoa giờ giảm giá từ 25.000 đồng xuống chỉ còn 8.000 đồng thì người buôn còn chả có lãi, nói chi tới nông dân trồng hoa một nắng hai sương….

Hoa Lily miền Bắc ra nhiều, thành thử ảnh hưởng cả tới giá hoa Lily Đà Lạt. Không ít nông dân và cả doanh nghiệp hoa Lily Đà Lạt chắc cũng sẽ khốn đốn trong vụ hoa năm nay” - chị Huế bày tỏ.

Theo phân tích của ông Nguyễn Danh Vàn, chuyên gia về kỹ thuật canh tác thì vụ hoa Lily năm nay của miền Bắc lại thêm lần nữa minh chứng cho thói quen khó bỏ của nông dân là luôn chạy theo phong trào, sản xuất tự phát mà thiếu các “động tác” nghiên cứu thị trường, nghiên cứu những biến đổi của điều kiện thời tiết, đặc biệt là thiếu sự kết nối giữa nông dân với nhà khoa học, giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ.

Thành thử, hoa sản xuất nhiều nhưng chất lượng không cao, giá hoa rẻ nhưng cũng không đắt người mua và nông dân lại chịu cảnh thiệt thòi.

Từ câu chuyện hoa Lily, điều đáng mừng là người nông dân đã có sự sáng tạo nhất định, vận dụng linh hoạt giữa khoa học với kinh nghiệm để đưa vào thực tiễn sản xuất. Kết quả đã nhân rộng và sản xuất đại trà hoa Lily ở nhiều tỉnh, địa phương miền Bắc. Đây cũng là yếu tố khiến thị trường hóa giá thành sản phẩm, giúp người tiêu dùng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, do chưa tạo được chuỗi liên kết cùng những mắt xích “hoàn hảo” để mở đường cho hoa Lily đến với thị trường nên chưa rút ngắn được khoảng cách giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Danh Vàn gợi ý, giá như người nông dân miền Bắc có sự chuẩn bị tốt hơn ngay từ bước đầu để đưa hoa Lily đến gần hơn với thị trường, chẳng hạn có thể tích lũy và tổng hợp tốt kỹ thuật canh tác.

Đồng thời, “bắt tay” được các nhà khoa học để đưa vào sản xuất những giống hoa đảm bảo chất lượng, cũng như đảm bảo sự phát triển đồng loạt. Hoặc, kết nối được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm… chắc hẳn năm nay, miền Bắc đã có một vụ Lily đáng nhớ. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để chờ vụ Lily năm sau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục