Ấn Độ cải cách các quy định liên quan đến FDI

09:37' - 05/07/2016
BNEWS Trong một động thái nhằm tạo thêm việc làm và thúc đẩy sản xuất, Ấn Độ đang thúc đẩy mạnh kế hoạch cải cách quy định liên quan đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng tự do hóa hơn nữa.
Ấn Độ cải cách các quy định liên quan đến FDI. Ảnh: reuters

Để trở thành "nền kinh tế mở cửa rộng nhất đón nhận FDI trên thế giới", Chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng quy định ở 15 lĩnh vực ngành nghề.

Nhà đầu tư nước ngoài giờ đây có thể sở hữu 100% vốn tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không nội địa, công nghiệp quốc phòng, hoặc 74% vốn đối với công ty dược phẩm.

Dự kiến, kế hoạch cải cách này có thể giúp tăng vốn FDI của Ấn Độ lên 60 tỷ USD năm 2016, trong bối cảnh các dòng vốn FDI trên toàn cầu có xu hướng giảm.

Ấn Độ sẽ sử dụng số vốn mới đó để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng như bến cảng, sân bay, đường cao tốc, từ đó kích thích nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Những chuyến công du nước ngoài của Thủ tướng Narendra Modi cũng giành ưu tiên hàng đầu cho nỗ lực thu hút FDI.

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ngày 2/7 cho rằng các tập đoàn hay doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của nước ngoài vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản khi đầu tư vào Ấn Độ.

Mặc dù có thể tiếp nhận 100% vốn FDI, nhưng khu vực công nghiệp quốc phòng vẫn phải trải qua nhiều công đoạn sàng lọc, thẩm tra.

Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia sản xuất chế tạo vũ khí hạng nhẹ, đạn dược.

Song họ sẽ phải đối mặt với hàng loạt trở ngại nếu muốn có được sự chuẩn thuận của chính phủ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục