Áp lực tăng trưởng kinh tế cuối năm

06:46' - 23/07/2016
BNEWS Với tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,52%, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% như Quốc hội đề ra thì GDP quý III phải đạt 7,2% và quý IV đạt 8,1%.

Nhiều tác động bất lợi

Nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm. Ảnh minh họa: Đình Huệ-TTXVN

Các khó khăn đến từ tình hình thế giới khi trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 về mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Đặc biệt sự kiện Brexit cũng là nhân tố tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Đối với tình hình trong nước, các chỉ số giá, xuất khẩu, lãi suất và thu chi ngân sách cũng cho thấy sẽ gây áp lực ít nhiều tới tốc độ tăng trưởng.

Theo ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), những vấn đề chính trị và nhu cầu thực tế tại nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục tác động đến giá dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng đến giá mặt hàng nguyên liệu khác; từ đó tác động đến giá hàng hóa trong nước qua kênh nhập khẩu.

Điều kiện thời tiết, môi trường phức tạp cũng có thể ảnh hưởng tới biến động của giá lương thực, thực phẩm. Trong khi đó, giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng theo lộ trình cùng khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2016 được dự báo trên 20% sẽ là các yếu tố đẩy mặt bằng giá lên kéo theo chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2016 sẽ từ 5-5,5%.

Chỉ số giá tiêu dùng ở mức này cũng được cho là sẽ trực tiếp tác động tới lãi suất huy động với dự báo sẽ không giảm trong thời gian tới.

Về lãi suất cho vay, giới phân tích nhận định diễn biến lãi suất từ nay đến cuối năm 2016 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự biến động của lạm phát và dư địa để giảm lãi suất không còn nhiều.

Tuy nhiên, tín hiệu mừng cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế đó là trong Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Một yếu tố cũng được xem sẽ tác động đến nền kinh tế đó là chênh lệch trong thu chi ngân sách và nợ công tuy vẫn ở trong ngưỡng cho phép nhưng liên tục tăng. Để quản lý thâm hụt ngân sách và nợ công, Bộ Tài chính cho biết trong 6 tháng cuối năm 2016 sẽ đổi mới các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn về thuế, tăng cường quản lý kê khai thuế đối với người nộp thuế, thông qua việc phối hợp có hiệu quả với các cơ quan liên quan rà soát, đối chiếu để xác định chính xác số đơn vị đang hoạt động, ngừng, nghỉ kinh doanh, bỏ trốn, mất tích.

Đồng thời, tập trung rà soát, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước để có biện pháp thu hồi kịp thời, phấn đấu năm 2016 đạt 18% số doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý ngành tài chính trong điều kiện hội nhập ngày càng tăng, chính sách thu ngân sách cần nghiên cứu cụ thể theo hướng nào hiệu quả bù hụt thu do giảm thuế quan. Đồng thời cần chống gian lận thuế và tiêu cực về thuế.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện dư địa để giảm chi ngân sách còn nhiều, cần tiếp tục cắt giảm để đạt kết quả thiết thực và lan tỏa tinh thần tiết kiệm cả ở Trung ương và các địa phương.

Không thay đổi mục tiêu

Cần kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, vàng trong nước và quốc tế để chủ động điều hành chính sách tiền tệ, hạn chế tác động tiêu cực đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng theo mục tiêu của Quốc hội.

Cùng với việc điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, ngành ngân hàng cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các kịch bản về khả năng tăng trưởng và lạm phát để chủ động điều hành phù hợp trong mọi tình huống, nhất là tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản.

Đồng thời rà soát các dự án ODA và nguồn vốn vay ưu đãi, đề xuất Thủ tướng Chính phủ loại bỏ các dự án không cần thiết, kém hiệu quả.

Đối với Bộ Tài chính, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính thế giới, đặc biệt việc Anh rời Liên minh châu Âu liên quan đến nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam để đánh giá tác động, kịp thời đề xuất các giải pháp ứng phó. Đồng thời tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.

Liên quan đến tác động của việc Anh rời Liên minh Châu Âu, Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi tình hình quan hệ thương mại của Việt Nam với các đối tác lớn đồng thời theo dõi giá dầu thô thế giới, điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô hợp lý.

Bên cạnh đó, chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp cụ thể đối với ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ. Mặt khác, đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đề xuất các giải pháp chính sách để phát huy, tận dụng tối đa cơ hội phát triển và hạn chế những thách thức của hội nhập...

Để đảm bảo tăng trưởng ngành nông nghiệp những tháng cuối năm, bù đắp thiếu hụt những tháng đầu năm, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung nâng cao năng lực sản xuất, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên. Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ người dân khu vực bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung khôi phục sản xuất và đời sống.

Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công thuộc lĩnh vực quản lý; xây dựng phương án phát triển dịch vụ vận tải với cơ cấu hợp lý, hiệu quả.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ lãi suất để phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đồng thời tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, bền vững./.

  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục