Argentina đau đầu với thâm hụt ngân sách, lạm phát và nợ nần

07:24' - 27/01/2018
BNEWS Sau 2 năm cầm quyền, chính phủ của Tổng thống Argentina Mauricio Macri vẫn luẩn quẩn trong vòng xoáy thâm hụt ngân sách, không kiềm chế được lạm phát và nợ nước ngoài ở mức cao.
Tổng thống Argentina Mauricio Macri. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh hiện nay, Tổng thống Macri cần sự đồng thuận để thúc đẩy những cải cách kinh tế. Các chuyên gia cho rằng nhiệm vụ của ông Macri rất khó khăn bởi suốt 3 thập kỷ gần đây, kinh tế Argentina được bảo hộ và đóng cửa với thị trường quốc tế. Chính phủ hiện nay đang tìm cách mở cửa và thu hút đầu tư nước ngoài.

Năm 2016, kinh tế Argentina suy giảm 2,3% và hồi phục 2,8% trong năm vừa qua. Chính phủ nước Nam Mỹ này đề ra mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm 2018, con số được giới phân tích cho là “hơi lạc quan”. 

Hiện tỷ lệ đói nghèo ở Argentina ở mức 24,8%, mức cao ở Nam Mỹ, chỉ sau Venezuela. Thành công trong việc kiềm chế lạm phát ở mức cao, lên tới hơn 24% trong năm 2017, và giảm tỷ lệ đói nghèo sẽ quyết định cơ hội để ông này ra ứng cử chức Tổng thống lần thứ hai vào năm tới.

Chuyên gia kinh tế Ramiro Castineira, Giám đốc Trung tâm Econometric, cho rằng sở dĩ chính phủ không thể đẩy nhanh tiến trình cải cách nền kinh tế bởi không có đa số ghế tại Quốc hội. Từ trước tới nay, tại quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh này, việc thảo luận về mô hình phát triển kinh tế thường ít đạt được đồng thuận.

 Theo ông Castineira, những cải cách nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách (ở mức tương đương 6% GDP năm ngoái theo thống kê của các hãng tư nhân) rất yếu ớt. Cải cách lương hưu chỉ gói gọn trong việc thảo luận phương thức nghỉ hưu của người lao động, trong khi những cải cách thị trường lao động lại không đủ mạnh để có thể mở cửa kinh tế vi mô.

Trong kỳ bầu cử Quốc hội giữa kỳ hồi tháng 10/2017, tỷ lệ nghị sĩ thuộc liên minh cầm quyền đảng Cộng hòa đề xuất (PRO) đã tăng so với trước nhưng vẫn không chiếm đa số. Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, chính phủ đã thể hiện khả năng nhận được sự ủng hộ trong những chính sách kinh tế của đất nước.

Về phần mình, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Venezuela Mario Blejer cho rằng ông Macri đã thắng bởi mọi dự luật mà chính phủ đưa ra đã được thông qua. Ông này nhận định ông Macri đang đi đúng hướng và củng cố quyền lực lãnh đạo.

Nợ công của Argentina tăng hơn 30% kể từ khi ông này nhậm chức cách đây 2 năm. Năm 2018, Buenos Aires sẽ cần thanh toán tới 30 tỷ USD và năm 2019, con số này vào khoảng 26 tỷ USD. Chính phủ cho rằng tỷ lệ nợ công hiện ở mức tương đương 31,3% GDP, trong khi các hãng tư nhân cho rằng tỷ lệ này lên tới 40%, nhưng vẫn chưa chạm vạch đỏ.

Andrés Aisain, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Scalabrini Ortiz, bày tỏ lo ngại trước nguy cơ nền kinh tế Argentina sẽ lại sụp đổ khi chu kỳ đầu cơ quốc tế kết thúc. Năm 2017, thâm hụt thương mại lên tới mức kỷ lục, điều này không giúp ích cho việc cân đối các khoản nợ. 

Ông Blejer thừa nhận có rất nhiều lo lắng về tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nicolás Caputo nói rằng khoản nợ công sẽ tăng lên mức tương đương 37% GDP vào năm 2020 và khẳng định đây là tỷ lệ "hoàn toàn nằm trong tầm tay".

Cuối tháng 10/2017, cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đã tăng mức đánh giá trái phiếu Chính phủ Argentina từ 'B' lên 'B +'. Tuy nhiên, họ vẫn cảnh báo rằng quốc gia này "dễ bị tổn thương trước các tác nhân toàn cầu bởi nước này phụ thuộc quá nhiều vào các quỹ bên ngoài để giải quyết tình trạng thâm hụt tài chính ở mức cao và tài khoản vãng lai".

Mức lương tối thiểu ở Argentina quy đổi tương đương hiện nay ở mức 500 USD. Có tới 5 triệu người trong tổng số 42 triệu dân làm việc không ký hợp đồng hay còn gọi là “lao động đen”.

Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 8,3%. Đồng nội tệ peso mất giá tới 30% ngay sau khi ông Macri thả nổi đồng tiền hồi tháng 12/2015 khi nhậm chức và hiện vẫn tiếp tục mất giá. Đồng ngoại tệ USD đang giao dịch ở mức gần 19 peso và dự kiến lên tới 22 peso vào cuối năm nay.

Lạm phát của Argentina lên tới 41% trong năm 2016 khi giá các dịch vụ công tăng trung bình 400% sau 1 thập kỷ được trợ giá. Các chính sách điều chỉnh vẫn tiếp tục được thực thi trong năm vừa qua khiến giá cả tăng tới 24,8%. Chính phủ đã buộc phải tăng mức dự báo lạm phát cho năm nay từ mức 10% lên 15%.

Giá cả tăng khiến người dân chán nản. Dân chúng chỉ trích chính phủ không thực hiện cam kết kiềm chế lạm phát và tình trạng này ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Tổng thống Macri chỉ còn lại 2 năm để có thể vực lại lòng tin của các cử tri đã bỏ phiếu cho ông và để có thể ra tái cử lần thứ hai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục