Ba câu hỏi lớn cho hai cuộc gặp thượng đỉnh của Triều Tiên (Phần 1)

05:30' - 29/04/2018
BNEWS Tạp chí National Interest đăng bài phân tích về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều và Hàn - Triều của ông Eric Gomez, chuyên gia về chính sách đối ngoại và quốc phòng thuộc Viện nghiên cứu Cato, Mỹ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) cắt một chiếc bánh kỷ niệm tại bữa tiệc ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Các sự kiện ngoại giao của thập kỷ này sẽ nhanh chóng xảy ra. Ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại Panmunjom. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007 đến nay mới có cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai miền Triều Tiên

Tiếp đến, ông Kim sẽ có cuộc gặp khác với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây cũng là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo đương nhiệm của Triều Tiên và Mỹ.

Có nhiều tin tức và sự đồn đoán xung quanh các cuộc gặp này. Chỉ vài ngày trước, ông Trump tiết lộ rằng Giám đốc CIA Mike Pompeo đã thực hiện chuyến thăm bí mật tới Triều Tiên vào thời điểm Lễ Phục sinh để nói chuyện với ông Kim về cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ. 

Hàn Quốc thông báo rằng họ đang thúc đẩy thương lượng về một hiệp ước hòa bình để chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên và ông Moon đề nghị nhà lãnh đạo Kim không đặt ra yêu cầu về việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa. 

Đối với các nhà phân tích, những động thái như vậy làm dấy lên những câu hỏi lớn cần được giải đáp trước thời điểm hai cuộc thượng đỉnh đó diễn ra.

Thứ nhất, ông Kim Jong-un chuẩn bị những gì cho việc từ bỏ chương trình hạt nhân? Vấn đề quan trọng nhất được đưa ra cho hai cuộc gặp thượng đỉnh là hoạt động giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ông Kim đã cho thấy sự sẵn sàng trong thảo luận vấn đề này qua cuộc trao đổi với các quan chức của Hàn Quốc sau sự kiện Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang. 

Tuy nhiên, ông Kim vẫn chưa đưa ra những giải thích cụ thể về điều mà họ nghĩ là hoạt động phi hạt nhân hóa trong bối cảnh các cuộc gặp thượng đỉnh sắp đến gần. Việc công bố cụ thể hơn những gì mà Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ sẽ là ưu tiên cao nhất của ông Moon và ông Trump.

Vũ khí hạt nhân là sự đảm bảo then chốt cho Triều Tiên trong việc chống lại các nỗ lực thay đổi chế độ của họ. Thật khó mà hình dung được rằng ông Kim đồng ý giải giáp chương trình hạt nhân mà không có sự nhượng bộ hay cam kết quan trọng nào từ phía WashingtonSeoul

Mặc dù những thông tin gần đây cho thấy Triều Tiên có thể chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, song sự đảm bảo có tính khả thi có thể là yêu cầu Mỹ giảm quân số đang đóng tại Hàn Quốc.

Một bài báo của hãng tin Hàn Quốc gần đây cho biết Bình Nhưỡng đã yêu cầu Mỹ rút hết “các lực lượng hạt nhân và lực lượng chiến lược khác” ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Không để vũ khí hạt nhân tồn tại ở Hàn Quốc là một đòi hỏi dễ dàng có thể đáp ứng được kể từ khi Mỹ rút toàn bộ tên lửa hạt nhân chiến thuật ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc vào năm 1991.

Tuy nhiên, việc rút các “lực lượng chiến lược khác” sẽ là vấn đề khó khăn hơn, bởi vì miền Bắc chưa công khai công bố các chi tiết cho các hoạt động giải trừ vũ khí của họ. Mỹ hiện triển khai tại Hàn Quốc hai loại máy bay chiến đấu F-16 và F-15E có khả năng mang bom hạt nhân B61 và loại máy bay chiến đấu F-35A cũng có khả năng mang vũ khí hạt nhân./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục