Dư luận quốc tế đánh giá tích cực về Hội nghị thượng đỉnh liên Triều

14:27' - 28/04/2018
BNEWS Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 28/4 đưa tin Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 sẽ là một "mốc lịch sử mới" dẫn đến sự thịnh vượng chung, là bước ngoặt cho bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự tiệc mừng tại làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4. Ảnh: YONHAP/TTXVN

KCNA phát đi tuyên bố chung của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông báo ngày 27/4 sau Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên trong hơn một thập niên giữa hai miền Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo đã cam kết xúc tiến "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên và nhất trí một mục tiêu chung về một bán đảo "không có hạt nhân".

Trong khi đó, Đức đã bày tỏ hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh liên Triều mang tính lịch sử, coi đây là một bước tiến quan trọng và đúng đắn mang lại hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh: "Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc tại làng đình chiến Panmunjom trong ngày 27/4 thực sự là một bước tiến quan trọng và đúng hướng.

Chúng tôi hoan nghênh sự phát triển này và hy vọng điều này sẽ mang tới những kết quả cụ thể tốt đẹp giúp xua tan những quan ngại của cộng đồng quốc tế đối với tham vọng về hạt nhân của Triều Tiên".

Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, trong thời gian tới, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ phải chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy được những nỗ lực chung của cả hai bên cũng như đưa ra một tiến trình cụ thể để có thể giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, hướng tới phi hạt nhân hóa và đem lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Ông khẳng định Đức luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ một tiến trình như vậy.

Còn Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland ngày 27/4 cũng đã ra tuyên bố hoan nghênh kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều, đồng thời bày tỏ mong muốn các bên sẽ tiếp tục có những bước đi tích cực để hướng đến một bán đảo Triều Tiên hoà bình và ổn định.

Bà Freeland đồng thời bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán này sẽ tạo nền tảng cho hoà bình và ổn định trong khu vực, đồng thời mang lại tương lai tích cực hơn cho tất cả người dân trên bán đảo Triều Tiên.

Chính phủ Canada tin rằng một giải pháp ngoại giao là cần thiết, có thể và có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết căng thẳng lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, Canada kêu gọi Triều Tiên thực thi hành động cụ thể nhằm chấm dứt các chương trình tên lửa đạn đạo và giải giáp vũ khí huỷ diệt hàng loạt một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Canada, tình hình trên bán đảo Triều Tiên không chỉ là vấn đề khu vực, mà còn là vấn đề về hoà bình và an ninh quốc tế.

Điều này được thể hiện rõ trong cuộc thảo luận tại Hội nghị Ngoại trưởng và An ninh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) tại Toronto, Canada mới đây, cũng như trong các cuộc gặp song phương trước đó với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trước đó, trong tuyên bố đưa ra sau Hội nghị Ngoại trưởng và An ninh G7, các Ngoại trưởng cũng đã bày tỏ quan điểm về tình hình Triều Tiên hiện nay và mong muốn hợp tác với Trung Quốc trong việc giải quyết những thách thức đặt ra trên bán đảo Triều Tiên.

Về phần mình, Chính phủ Indonesia cũng đã bày tỏ hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 sẽ giúp mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, bà Retno Marsudi nêu rõ: "Indonesia hoan nghênh kết quả của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và hy vọng đây sẽ tạo nền tảng cho hòa bình lâu dài ở bán đảo Triều Tiên, mang lại sự thịnh vượng cho nhân dân hai nước.

Indonesia cũng hy vọng rằng Hội nghị này có thể là sự khởi đầu cho một khu vực bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân".

Trước đó cùng ngày, sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký Tuyên bố chung Panmunjom, trong đó hai bên cam kết sẽ ra tuyên bố kết thúc chiến tranh trong năm nay.

Tuyên bố chung cũng nêu rõ Hàn Quốc và Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung trong việc xóa bỏ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn; tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán ba bên, bao gồm hai miền Triều Tiên và Mỹ, hoặc cơ chế đàm phán bốn bên, bao gồm cả Trung Quốc, để tiến tới ký hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và xây dựng nền hòa bình vững chắc, lâu dài.

Hai bên cũng nhất trí xúc tiến tổ chức chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in đến Bình Nhưỡng vào cuối năm nay.

Khu công nghiệp Kaesong được mở năm 2004 như là một biểu tượng chính của sự hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên, kết hợp công nghệ và nguồn vốn của Hàn Quốc với nhân công của Triều Tiên.

Tuy nhiên, phía Hàn Quốc đã rút khỏi đây vào tháng 2/2016 để đáp trả việc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 và phóng tên lửa tầm xa.

Các công ty Hàn Quốc hoạt động tại Kaesong cho biết việc đóng cửa khu công nghiệp này đã làm họ thiệt hại 1.500 tỷ won (tương đương 1,3 tỷ USD), nhưng Chính phủ Hàn Quốc đánh giá mức độ thiệt hại chỉ vào khoảng 786 tỷ won./.

Xem thêm:

>>>Truyền thông Hàn Quốc thận trọng về kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều

>>>Nhìn lại những hình ảnh ấn tượng của hội nghị thượng đỉnh liên Triều

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục