Bà Rịa-Vũng Tàu sẵn sàng đón các doanh nghiệp xử lý chất thải rắn bằng công nghệ cao

18:50' - 26/03/2018
BNEWS Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sẵn sàng đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao về đầu tư xử lý rác với công nghệ hiện đại.

Ngày 26/3, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ trì cuộc họp với UBND tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các sở, ngành liên quan về kế hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2020.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải kiểm soát công nghệ xử lý rác. Dự án xử lý rác thải nào xin đầu tư vào tỉnh phải xem xét công nghệ xử lý, không để các dự án đưa công nghệ xử lý rác lạc hậu về hoạt động trên địa bàn tỉnh; không chấp nhận nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Tỉnh sẵn sàng đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao về đầu tư xử lý rác với công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phải kiểm soát chặt chẽ rác thải nguy hại được đưa từ các tỉnh khác vào tỉnh để chôn lấp.
Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục kiểm soát ô nhiễm tại khu xử lý rác thải Tóc Tiên, kiểm soát nước rỉ từ bãi rác, kiểm soát môi trường. Cùng với đó, UBND tỉnh cần sớm xúc tiến đề án khu xử lý rác thải Tóc Tiên như một khu công nghiệp, nhằm quản lý chặt chẽ tránh tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Tại cuộc họp, Sở Xây dựng Bà Rịa- Vũng Tàu đã báo cáo kế hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, Bà Rịa-Vũng Tàu có kế hoạch xử lý các loại chất thải rắn cụ thể như sau: Đối với xử lý chất thải rắn công nghiệp tỉnh sẽ thực hiện quản lý theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh, quy hoạch chi tiết 1/500 khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (huyện Tân Thành), Láng Dài (huyện Đất Đỏ) đã được UBND tỉnh phê duyệt và quy chế quản lý các khu xử lý chất thải tập trung trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành.

Tỉnh bổ sung dự án Nhà máy Xử lý và Tái chế bụi lò thép tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 và loại hình xử lý chất thải nguy hại có chứa các nhân phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên vào Quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh.
Tỉnh không chấp thuận đầu tư thêm các loại hình xử lý chất thải đã vượt nhu cầu của tỉnh như: Xử lý dầu thải, dung môi, bao bì, chon lấp chất thải công nghiệp thông thường. Còn đối với rác thải rắn y tế, trước mắt tỉnh sẽ khắc phục các lò đốt chất thải y tế tại các bệnh viện chưa đạt yêu cầu.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt, tỉnh cũng có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ di dời Nhà máy xử lý rác thải của Công ty cổ phần Môi trường xanh Bảo Ngọc từ xã Phước Hòa (huyện Tân Thành) về Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (huyện Tân Thành), sử dụng công nghệ tái chế phân compost.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải Láng Dài của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Green HC để giảm lệ thuộc vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn KBEC Vina.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh hiện nay phát sinh có khối lượng lớn trên địa bàn tỉnh chủ yếu là xỉ thép, tạp chất từ phế liệu thép nhập khẩu, xỉ than đá, bùn thải từ trạm xử lý nước thải với tổng khối lượng khoảng 1.285 tấn/ngày.

Đối với chất thải rắn công nghiệp nguy hại trên địa bàn tỉnh khoảng 204 tấn/ngày, riêng bụi lò thép khoảng 42.190 tấn/ngày. Hiện nay, có một số lượng lớn chất thải rắn công nghiệp ngoài tỉnh đưa về chôn lấp, xử lý tại một số nhà máy trên địa bàn tỉnh mà chưa được xử lý, nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường.

Bên cạnh đó, hiện khối lượng chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh khá lớn khoảng 2,28 tấn/ngày. Tuy chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế công lập đã được xử lý bằng phương pháp thiêu hủy, nhưng một số lò đốt chất thải rắn y tế tại một số bệnh viện chưa đạt yêu cầu.
Còn chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện nay được thu gom, chôn lấp tại khu chôn lấp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn KBEC Vina (huyện Tân Thành), với khối lượng khoảng 700 tấn/ngày.

Riêng huyện Côn Đảo khoảng 12 tấn/ngày, tại đây một phần rác thải sinh hoạt được đốt bằng lò đốt khoảng 6 tấn/ngày, phần còn lại chưa được xử lý, đến nay tồn đọng 60.000 tấn.
Việc xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện gặp một số khó khăn như: Việc chôn lấp rác thải sinh hoạt tại khu chôn lấp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn KBEC Vina vẫn chưa bảo đảm an toàn về môi trường; một số dự án về xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh triển khai chậm dẫn đến tỉnh vẫn phải lệ thuộc vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn KBEC Vina.

Ngoài ra, việc chuyển sang công nghệ đốt có ưu điểm bảo vệ môi trường và tiết kiệm quỹ đất nhưng chi phí đầu tư rất lớn, chính vì vậy đến nay chưa được triển khai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu./.

>>>Bà Rịa-Vũng Tàu ráo riết chạy đua để EU gỡ bỏ “thẻ vàng” thủy sản xuất khẩu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục