Bàn giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

17:34' - 13/07/2018
BNEWS Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về "nông nghiệp công nghệ cao"
 Ngày 13/7/2018, tại Cần Thơ, Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (IPSARD), Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) tổ chức Hội thảo "Các ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam: Nhu cầu và giải pháp". Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Ngày 13/7, tại Cần Thơ, Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (IPSARD), Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) tổ chức Hội thảo "Các ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam: Nhu cầu và giải pháp".

Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về "nông nghiệp công nghệ cao", nêu thực trạng những vùng đang áp dụng nông nghiêp công nghệ cao tại Việt Nam, những vướng mắc và giải pháp khắc phục.

Ông Ole Henriksen, Chuyên gia kỹ thuật cao cấp nhóm Nông nghiệp Chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP) nhận định: Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu hiện nay, khi mà tự động hóa, trí tuệ nhân tạo giúp thay thế sức lao động chân tay, hạn chế việc người lao động phải trực tiếp tiếp xúc với hóa chất nguy hại.

Tuy vậy, để thực sự được gọi là "nông nghiệp công nghệ cao" cần sự đồng bộ trong chính sách, cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc và đặc biệt chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cần có đủ kiến thức để làm chủ máy móc, công nghệ. Nếu không, mọi khái niệm về "nông nghiệp công nghệ cao" chỉ là trên giấy, hoặc nửa vời, hoặc biến tướng lệch lạc.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Đặng Kim Khôi, Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng không thể có suy nghĩ đơn giản là đầu tư xây dựng một hệ thống nhà kính, hay hệ thống máy điều khiển quy trình sản xuất thông minh là có thể được phong ngay "Mô hình nông nghiệp công nghệ cao", nếu như mô hình đó không có những người điều khiển, xử lý được hệ thống một cách hiệu quả.

Theo nhận định của các nhà khoa học, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn trong ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, với công nghệ số, công nghệ sinh học, robot, công nghệ in 3D, vật liệu mới, năng lượng tái tạo...

Hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm công nghiệp chế biến của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 chỉ mới chiếm 10,1%, đến hết năm 2017 mới chỉ có gần 1% doanh nghiệp được công nhận "Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao".

Theo ông Khôi, để cải thiện thực tế này cần có sự thay đổi vĩ mô là những chính sách định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, những ưu đãi về đất đai, thuế...

Cụ thể, hiện chính sách thuế có nhiều mức, nhiều loại quy định miễn giảm, thủ tục phức tạp. Nhà nước đang thiếu nguồn lực thực hiện hạ tầng cho công nghệ cao. Đối tượng hưởng lợi về tín dụng cho công nghệ cao kém linh hoạt, yêu cầu thế chấp cứng nhắc. Bên cạnh đó, quỹ đất quy mô lớn không nhiều, phí cho thuê và quản lý đất lớn do ký hợp đồng với nhiều hộ nhỏ lẻ, đầu tư tài sản lớn trên đất không được bảo đảm khi nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng. Hơn nữa, thị trường khoa học công nghệ chưa thực sự vận hành, thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn kém...

Do đó, đối với tín dụng, cần ban hành bộ tiêu chí xác định mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã...

Ông Khôi cũng cho rằng, cần mở rộng tài sản được thế chấp vay vốn ưu đãi (bao gồm cả tài sản hình thành trên đất). Cần có chính sách ưu tiên đặc biệt xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao cho các mặt hàng nông sản chiến lược quốc gia, huy động nguồn lực tư nhân theo hình thức PPP...

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đưa ra các giải pháp về hoàn thiện chính sách hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học. Theo đó, cần chuyển đổi từ mô hình nhà nước đặt hàng nhà nghiên cứu sang doanh nghiệp đặt hàng theo nhu cầu thực tế. Có như vậy các kết quả nghiên cứu mới bám sát nhu cầu của thị trường, đảm bảo tỷ lệ cao trong chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Bên cạnh đó cần thay đổi hình thức quản lý Quỹ Đổi mới Khoa học Công nghệ nông nghiệp thay vì chỉ Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý thì sẽ có sự tham gia của các thành viên gồm chuyên gia trong và ngoài nước, cùng đại diện doanh nghiệp khoa học công nghệ dẫn đầu.

Đối với ưu đãi về thuế, cần kéo dài thời hạn miễn thuế cho các khoản thu thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học công nghệ, từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm và từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng.

Các hoạt động chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, các máy móc nhập khẩu phục vụ nghiên cứu mà trong nước chưa sản xuất được cần phải được quy định là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 0%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục