Bên lề Quốc hội: Cần giải pháp toàn diện, khả thi về xử lý nợ xấu

13:24' - 07/06/2017
BNEWS Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 7/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Hoàng Thị Thu Trang trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Bên lề Quốc hội, các đại biểu nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu cũng như đề xuất những giải pháp trọng tâm để giải quyết thực trạng nợ xấu hiện nay.

Đánh giá về thực trạng nợ xấu, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An cho rằng, tình trạng nợ xấu lớn hiện nay do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong đó có nguyên nhân khách quan về những tác động của cơ chế thị trường, hệ thống chính sách, pháp luật hiện nay còn một số điểm không phù hợp để bảo đảm quyền của chủ nợ và các tổ chức tín dụng.

Nguyên nhân chủ quan từ nhận thức, thái độ của người vay, cũng như nguyên nhân từ phía các tổ chức tín dụng trong việc thẩm định tài sản bảo đảm khi cho vay.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, việc xử lý nợ xấu trên thực tế gặp nhiều khó khăn, mức nợ xấu hiện rất lớn nên việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu với những giải pháp toàn diện, khả thi trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng.

Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát hệ thống pháp luật về tín dụng, từ đó có giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong hoạt động tài chính, ngân hàng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần có biện pháp phòng ngừa và giải quyết những lỗ hổng trong việc cho vay vốn.

Trong đó, đại biểu Trang cho rằng giải pháp mấu chốt của Nghị quyết là quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm và xử lý tài sản nhằm giúp các ngân hàng có giải pháp xử lý nợ xấu.

Việc cho phép các tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm và xử lý tài sản là phù hợp với quy định pháp luật dân sự.

Tuy nhiên để triển khai trên thực tiễn thì rất nhiều khó khăn vướng mắc, do đó Quốc hội và các cơ quan liên quan phải dự liệu vấn đề này và cần nghiên cứu để quy định vừa đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức tín dụng, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an sinh xã hội.

Là người trực tiếp công tác trong lĩnh vực thi hành án dân sự, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho biết, trong quá trình tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, phải huy động cả hệ thống chính trị ở cơ sở, có nhiều trường hợp đương sự phản ứng, chống đối, có cả tấn công và đe dọa tấn công người thi hành nhiệm vụ.

Đại biểu quan ngại rằng, với lực lượng của ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ rất khó khăn trong thu giữ tài sản bảo đảm; vấn đề đặt ra là ngân hàng sẽ phải thuê một bên thứ ba để tiến hành hay phải tự mình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm.

"Có thể phương án để các tổ chức tín dụng, ngân hàng tự tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng liên quan là giải pháp có tính khả thi hơn" - đại biểu Trang đề xuất.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, xử lý nợ xấu là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó Ngân hàng Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong tham mưu cho Chính phủ đưa ra các chính sách, giải pháp về xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, cần sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan để đảm bảo xử lý toàn diện, tạo đồng thuận trong toàn bộ xã hội.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, hiện hệ thống pháp luật của Việt Nam quy định rất rõ quyền và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vấn đề quan trọng hiện nay là vấn đề tổ chức triển khai, thực thi pháp luật.

"Nếu giai đoạn trước chúng ta chú trọng hoàn thiện pháp luật về tài chính, ngân hàng thì đến giai đoạn hiện nay, chúng ta cần chú trọng việc triển khai, thực thi pháp luật và tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật" - đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục