Bên lề kỳ họp Quốc hội: Làm gì để tiếp cận gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hiệu quả?

16:42' - 02/06/2017
BNEWS Đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng, tất cả các doanh nghiệp, ngay cả doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể tiếp cận gói tín dụng 100.000 tỷ đồng này.
Cần có thời gian để doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hiệu quả. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS?TTXVN

"Chúng ta cần có thời gian để tiếp cận nguồn vốn tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao và cũng cần có thời gian để đúc rút kinh nghiệm qua việc vận dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả, khi đó doanh nghiệp sẽ phát triển tốt hơn". Bên lề Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Phú Quốc, đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ với Phóng viên TTXVN xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Ông nhận định như thế nào xung quanh gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua?

Đại biểu Phạm Phú Quốc: Chính phủ rất muốn có những gói kích cầu để kích thích nền kinh tế và cũng đã tạo dung, định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành, nghề có lợi thế. Những gói kích cầu như vậy thực tế đã chứng minh chúng ta đã tạo được đà tăng trưởng GDP và hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, chính sách nới lỏng tiền tệ và chính sách đưa ra những gói kích cầu như vậy còn phụ thuộc vào những vấn đề hấp thụ và tiếp cận các nguồn vốn này như thế nào cho hiệu quả. Đặc biệt là trình độ vận hành, quản lý và điều hành của các doanh nghiệp khi tiếp cận và sử dụng nguồn vốn này có hiệu quả hay không?.

Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào dân trí của cộng đồng doanh nghiệp, phụ thuộc vào thị trường của Việt Nam hiện nay. Thời gian qua, chúng ta bung ra những gói kích cầu quá lớn và tiếp cận một cách nhanh chóng.

Theo tôi nghĩ, chúng ta cần có thời gian để tiếp cận từ từ, cần có thời gian đúc rút kinh nghiệm qua việc vận dụng các nguồn vốn này một cách hiệu quả thì doanh nghiệp sẽ phát triển tốt hơn.

Phóng viên: Thưa ông, có ý kiến cho rằng việc tiếp cận gói này chủ yếu là những doanh nghiệp lớn. Còn những doanh nghiệp nhỏ hoặc cá thể rất khó tiếp cận?. Ông nhận định ý kiến này như thế nào?

Đại biểu Phạm Phú Quốc: Tôi cho rằng, tất cả các doanh nghiệp, ngay cả doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể tiếp cận nguồn vốn này.

Ngay trong dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được thảo luận tại Quốc hội cũng hướng tới việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn vay, các gói thầu. Đặc biệt là các nguồn vay từ đầu tư công của Chính phủ và các dự án đầu tư công.

Nếu những gói thầu lớn cần doanh nghiệp lớn hay các Tập đoàn kinh tế tiếp cận thì họ sẽ là tổng thầu. Sau đó, các doanh nghiệp lớn vẫn cần tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa; nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa đó có đủ năng lực để có thể thực thi những gói nhỏ ở trong gói thầu lớn. Tôi nghĩ vẫn có thể hài hòa mối quan hệ này trong nền kinh tế.

Phóng viên: Đối với gói 100.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao, ông có cho rằng đây là số vốn quá lớn để đầu tư vào lĩnh vực này không?

Đại biểu Phạm Phú Quốc: Tôi cho rằng, Chính phủ đã tính toán và tính khả thi của gói này cũng khá cao. Đây cũng là một trong những ngành kinh tế chiếm số đông lao động và là lợi thế cho nền kinh tế nước ta.

Đặc biệt, số nông dân chiếm tỷ lệ khá lớn, sản phẩm liên quan đến nông nghiệp cũng đã có uy tín và khẳng định trên thị trường thế giới. Việc đầu tư cho nông nghiệp hoặc sử dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp hiện đại, tôi nghĩ là phù hợp.

Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương còn thấp, theo quan điểm của ông, chúng ta cần những giải pháp gì để đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất?

Đại biểu Phạm Phú Quốc: Chính phủ đã đặt ra là hệ sinh thái khởi nghiệp, là quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ hướng đến năm 2020 cả nước có một triệu doanh nghiệp, trong đó thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 500.000 doanh nghiệp.

Theo đó, những gì có lợi thế thì chúng ta nên phát triển, những gì cảm thấy chưa có lợi thế thì để nền kinh tế thị trường tự quyết định.

Có nghĩa là chúng ta mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài rồi liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi cho rằng, đã đặt ra mục tiêu thì chúng ta cố gắng hết sức và thị trường sẽ đáp ứng được. Dần dần các doanh nghiệp cũng sẽ trưởng thành, phát triển và đáp ứng được nhu cầu đặt ra của một nền kinh tế. Tôi nghĩ, việc đó chúng ta không quá lo lắng, nền kinh tế thị trường sẽ quyết định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục