Biến di cư thành việc làm cho tất cả mọi người

10:50' - 12/01/2018
BNEWS Tổng thư ký António Guterres trình bày tầm nhìn của ông về những bước đi cụ thể mà thế giới có thể thực hiện trong năm 2018 để phát huy tối đa sự đóng góp của hàng triệu người di cư cho xã hội.

Trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 11/1, Tổng thư ký António Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế nhất trí về một loạt hành động nhằm đảm bảo quyền của người di cư được tôn trọng một cách đầy đủ.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (trong ảnh) đã trình bày tầm nhìn của ông về những bước đi cụ thể mà thế giới có thể thực hiện trong năm 2018. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong bài phát biểu giới thiệu báo cáo "Biến di cư thành việc làm cho tất cả mọi người", ông Guterres nhấn mạnh rằng di cư là một hiện tượng toàn cầu mang tính tích cực vì hoạt động này tạo ra tăng trưởng kinh tế, thu hẹp tình trạng bất bình đẳng, kết nối những xã hội đa dạng và giúp các quốc gia xử lý những vấn đề nhân khẩu học.

Trên quy mô toàn cầu, người di cư đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển của quốc tế, cả thông qua công việc của họ lẫn ngoại hối gửi về quê hương. Năm ngoái, số tiền người di cư gửi về quê nhà đạt gần 600 tỷ USD, cao gấp ba lần tổng viện trợ phát triển.

Tuy nhiên, Tổng thư ký lưu ý trong khi đa số người di cư sống và làm việc hợp pháp, thì vẫn còn những người phải sống trong bóng tối, không được pháp luật bảo vệ và không thể đóng góp đầy đủ cho xã hội. Những người di cư tuyệt vọng đó thậm chí còn đánh liều với mạng sống của mình khi nhập cư vào những quốc gia, nơi họ phải đối mặt với sự nghi kỵ và bị lạm dụng.

Tình trạng này không chỉ dẫn đến hậu quả là những cuộc khủng hoảng nhân đạo ảnh hưởng tới dòng người di cư và những vụ vi phạm nghiêm trọng quyền cơ bản của người di cư, mà còn khiến dư luận quan niệm rằng hoạt động di cư đã vượt khỏi tầm kiểm soát, dẫn đến gia tăng sự hiểu lầm và những chính sách tìm cách ngăn chặn thay vì tạo điều kiện cho hoạt động di cư.

Tổng thư ký kêu gọi các quốc gia củng cố pháp trị để nâng cao việc quản lý và bảo vệ người di cư vì lợi ích của chính nền kinh tế, xã hội lẫn bản thân người di cư. Ông cũng kêu gọi có những nỗ lực cụ thể để thực thi những tuyên bố và cam kết về việc đảm bảo nhân quyền cho người di cư. Báo cáo của Tổng thư ký cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các hội đồng nhân dân, nghị viện, xã hội dân sự, khu vực tư nhân, các tổ chức khu vực, báo chí, giới học giả và bản thân người di cư.

Báo cáo nêu trên được xem là văn kiện tham khảo, hình thành cơ sở cho các cuộc đàm phán cuối cùng về Thỏa thuận toàn cầu vì hoạt động nhập cư an toàn, có trật tự, và theo định kỳ. Do đó, báo cáo nêu bật việc cơ chế LHQ cần phải được trang bị tốt hơn để hỗ trợ việc thực thi thỏa thuận toàn cầu này.

Tháng tới, các quốc gia thành viên LHQ sẽ khai mạc vòng đàm phán về Thỏa thuận toàn cầu cho người di cư, theo đó khuyến khích các chính phủ mở ra nhiều hành lang pháp lý hơn cho người nhập cư.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ không tham dự các cuộc đàm phán này. Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley đã viện dẫn những quan ngại về chủ quyền, nói rằng "người Mỹ và chỉ có người Mỹ mới có ảnh hưởng lên các quyết định của chúng tôi đối với những chính sách nhập cư".

Kể từ tháng 12/2014 đến nay, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đã giúp hồi hương khoảng 110.913 người tị nạn Somalia từ sáu quốc gia khác nhau trong khuôn khổ chiến dịch hồi hương tự nguyện. Hơn 2 triệu người Somalia đã buộc phải di tản vì đất nước này rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo dài nhất trên thế giới, kéo dài hơn 20 năm qua. Trong đó, khoảng 1,1 triệu người Somalia buộc phải sơ tán trong nước và gần 900.000 người tị nạn tại các nước trong khu vực.

>>>Các nhà tài trợ cam kết trợ giúp 860 triệu USD cho người di cư năm 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục