Brazil trở thành điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn đầu tư Trung Quốc

14:06' - 24/07/2018
BNEWS Trong lúc Trung Quốc và Mỹ bước vào cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh đang “để mắt” và đổ tiền ngày một nhiều vào một danh mục đầu tư đa dạng tại Brazil nhằm mở rộng nguồn cung hàng hóa cho nước này.
Giao dịch đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Trước năm 2010, các dòng vốn từ Trung Quốc chảy vào Brazil chủ yếu tập trung nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng cho nền kinh tế lớn nhất châu Á. Nhưng sang những năm gần đây, chiến lược đó đã được mở rộng và bao gồm các lĩnh vực như viễn thông, ô tô, năng lượng tái tạo và dịch vụ tài chính.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Brazil, trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 6/2018, các công ty Trung Quốc đã đầu tư gần 54 tỷ USD vào khoảng 100 dự án ở nước này. Chỉ tính riêng năm 2017, con số này đã đạt gần 11 tỷ USD.

Đây có thể là một tin tức lạc quan cho Brazil. Nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh này vẫn đang phục hồi khá chậm chạp kể từ cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước này hồi năm 2015-2016, với nợ công ở mức cao và đang ngày càng gia tăng. Số liệu của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) cho thấy từ năm 2005 đến năm 2017, Brazil đã nhận khoảng 55% trên tổng số tất cả các khoản đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào khu vực Mỹ Latinh. Và số tiền đầu tư đang ngày càng trải rộng trên nhiều lĩnh vực

Một trong những ví dụ điển hình nhất của sự đa dạng hóa nguồn đầu tư của Trung Quốc là việc “ông lớn” ngành gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing hồi tháng 1/2018 thông báo sẽ chi 297 triệu USD để mua lại ứng dụng gọi taxi của Brazil có tên 99.

Sang đến tháng Ba năm nay, Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) cũng đã bắt đầu hoạt động xây dựng cảng Sao Luis nằm ở phía Đông Bắc Brazil, với 70% nguồn tài chính đến từ Ngân hàng Công Thương Trung Quốc.

Theo ông Luiz Augusto de Castro Neves, Chủ tịch Hội đồng Hợp tác kinh doanh Trung Quốc-Brazil, Trung Quốc có thể đóng một vai trò rất quan trọng để giúp nền kinh tế Brazil phục hồi sau một giai đoạn trì trệ.

Song ông Castro Neves cho rằng một điều đáng tiếc là Brazil thiếu một chiến lược rộng lớn hơn để hưởng lợi từ dòng vốn khổng lồ này. Theo ông Castro Neves, Trung Quốc biết họ cần gì khi đầu tư vào Brazil, trong khi quốc gia Mỹ Latinh này chưa xác định được điều họ mong muốn từ nền kinh tế châu Á ngoài việc xuất khẩu nhiều hơn.

Mặc dù vẫn có những thách thức kinh tế, Brazil vẫn duy trì một cán cân thương mại khá thuận lợi với Trung Quốc, nhờ vào thặng dư kỷ lục vượt 20 tỷ USD vào năm 2017. Theo số liệu chính thức, hoạt động xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc đã tăng từ mức chỉ chiếm 2% trên tổng kim ngạch xuất khẩu hồi năm 2000 lên tới 26% trong quý đầu tiên của năm 2018.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã chỉ ra sự mất cân bằng mạnh mẽ trong hoạt động thương mại của Brazil khi nguyên liệu thô gồm sắt và đậu tương chiếm tới 86% kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Các chuyên gia cho rằng đối với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đang nhắm đến việc xây dựng một mô hình dựa trên thương mại, đầu tư và tài chính, với sáu lĩnh vực ưu tiên gồm cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, văn hóa, công nghiệp, năng lượng và đổi mới khoa học.

Và trong lúc Trung Quốc đang bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang với Mỹ, Bắc Kinh còn nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc xích lại gần hơn với Brazil cũng như các đối tác khác trong nhóm Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS là Nga, Ấn Độ, và Nam Phi.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm BRICS sắp diễn ra vào hai ngày 25 - 27/7, đầu tư nhiều khả năng sẽ là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của khối này.

>>>Lượng ngô và lúa miến nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục