Bước ngoặt đối với khu vực Đông Bắc Á?

06:30' - 30/03/2018
BNEWS Trang mạng của Câu lạc bộ chính trị Valdai (Nga) có bài viết cho biết giai đoạn 2018-2020 có thể sẽ là bước ngoặt đối với khu vực Đông Bắc Á, nơi Nga và Nhật Bản sẽ cùng đóng vai trò khá quan trọng.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. Ảnh: THX/TTXVN

Chuyên gia của Câu lạc bộ là Valdai Nobuo Shimotomai nhận xét có khả năng những lợi ích song phương sẽ vượt qua những bất đồng cũ, và “các láng giềng xa” sẽ trở thành “láng giềng tốt”. 

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tiến hành hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono ở Tokyo hai ngày sau chiến thắng lịch sử của ông Vladimir Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Ông Lavrov đã đến Nhật Bản với tư cách tạm thời, bởi vì Tổng thống Putin sẽ thành lập Nội các mới sau khi nhậm chức vào tháng Năm tới.

Ngoại trưởng Taro Kono được bổ nhiệm tháng 8/2017. Ông là cháu trai của chính trị gia nổi tiếng Ichiro Kono, người đã tiến hành đàm phán với Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev vào năm 1956 về hiệp ước hoà bình Liên Xô - Nhật Bản. 

Ông Taro Kono năm nay 55 tuổi, tốt nghiệp Đại học Georgetown và nói tiếng Anh lưu loát. Một số chuyên gia cho rằng ông Taro là một chính trị gia đầy triển vọng của Nhật Bản sau Thủ tướng Shinzo Abe.

Ngoại trưởng Lavrov và ông Kono đã bàn bạc về chuyến thăm sắp tới của ông Abe đến Moskva. Ông Shinzo Abe sẽ gặp Tổng thống Putin vào ngày 26/5 tại lễ khai mạc năm Nhật Bản ở Nga và năm Nga ở Nhật Bản. Cả hai nhà lãnh đạo sẽ tiến hành đàm phán về Hiệp ước hoà bình. Buổi lễ này sẽ đánh dấu cuộc gặp lần thứ 21 giữa lãnh đạo hai nước.

Tháng Hai vừa qua, ông Kono đã miêu tả quan hệ Nga - Nhật là “mối quan hệ song phương có nhiều triển vọng nhất”. Thủ tướng Abe và ông Kono đang chờ đợi một sự đột phá trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới, đặc biệt là trong vấn đề ký kết Hiệp ước hoà bình giữa hai nước. 

Một số người cho rằng đây là một quá trình rất khó khăn, nhưng cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ở tỉnh Yamaguchi của Nhật hồi tháng 12/2016 đã mở ra giai đoạn mới cho cuộc đàm phán Nga - Nhật.

Phía Nhật Bản đã đồng ý với cách tiếp cận thực tế về công thức “hoạt động kinh tế chung” trên bốn hòn đảo đang tranh chấp, hay họ còn gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc.

Hoạt động kinh tế chung là một cơ sở pháp lý quốc tế đặc biệt để tiến hành các hoạt động cùng có lợi, không vi phạm các quan điểm pháp lý của cả hai bên. Hiện các cuộc đàm phán đang được tiến hành theo năm hướng: đánh bắt cá, du lịch, tái chế rác thải, trồng rau, và xây dựng nhà máy điện gió. 

Hai bên đã nhất trí thúc đẩy các thủ tục pháp lý cho các dự án hoạt động kinh tế chung trước tháng 5/2018. Ngoài ra, một thoả thuận về các chuyến bay đến vùng lãnh thổ đang tranh chấp dành cho những người dân cũ của vùng này, nơi vẫn còn mộ họ hàng của họ, cũng đã được ký kết. Trong 2 tháng tới, trước cuộc gặp cấp cao Nga - Nhật, các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng cũng sẽ được tổ chức.

Những người lạc quan và bi quan đã có những đánh giá khác nhau về kết quả chuyến thăm của ông Sergey Lavrov tới Tokyo. Theo bình luận bi quan trên tờ báo Asahi Shimbun, Ngoại trưởng Lavrov đã tập trung rất nhiều tới tình hình gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Nga thời gian gần đây, đồng thời đặt câu hỏi về cam kết của Nhật Bản đối với Hiệp ước An ninh với Mỹ. 

Như vậy, mối quan hệ Nga - Nhật Bản phụ thuộc vào biến động của cuộc khủng hoảng trong khu vực Đông Bắc Á, mà cụ thể là từ sự đe doạ tên lửa hạt nhân của Triều Tiên. Và giai đoạn 2018-2020 có thể là bước ngoặt đối với khu vực Đông Bắc Á, nơi mà Nga và Nhật Bản sẽ cùng nhau đóng vai trò khá quan trọng. 

Có lẽ, lợi ích chung sẽ vượt qua những tranh cãi trước đó, và “những người láng giềng xa xôi” sẽ trở thành “những người láng giềng tốt”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục