Cách nào thúc đẩy tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

18:02' - 05/10/2017
BNEWS Điều đáng nói là nguồn vốn luôn sẵn sàng, nhưng chính các tổ chức tín dụng cũng đang gặp không ít khó khăn trong việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện nay vốn vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chiếm tỷ lệ nhỏ do nhiều vướng mắc, khó khăn về thu tục vay vốn, tài sản thế chấp.... Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Tại hội thảo Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do Báo Diễn đàn doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều 5/10 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế, đại diện các Hiệp hội ngành nghề đã nêu lên những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, những vướng mắc về thủ tục vay vốn hay tài sản thế chấp...

Qua đó, đề xuất các giải pháp khơi thông nguồn tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng hiệu quả trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của ngành tài chính, ngân hàng trong thời gian qua, góp phần giúp các doanh nghiệp chèo lái và vượt qua những thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Cùng với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thông qua Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia..., ngành ngân hàng, nhất là nhiều ngân hàng thương mại đã nhanh chóng "vào cuộc" thông qua các chương trình như: Chương trình "Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp"; Chương trình cho vay bình ổn thị trường và mở rộng đối tượng tiếp cận vốn; Chương trình cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Những nỗ lực ấy đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, ông Khương nhấn mạnh.

Ghi nhận những kết quả bước đầu mà các Chương trình ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp mang lại, ông Đào Anh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: tại nhiều địa phương, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Đến nay đã có 260 buổi gặp gỡ, hội nghị đối thoại được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổng số tiền cam kết cho vay mới theo Chương trình này đã đạt 390 nghìn tỷ đồng (tính đến hết tháng 6/2017); trong đó 375 nghìn tỷ đồng đã được giải ngân tới hơn 30 nghìn khách hàng doanh nghiệp.

Số còn lại là số tiền được gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ đối với hơn 1 nghìn doanh nghiệp. Ngoài ra, các ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như: giảm lãi suất, giảm phí...cho gần 6 nghìn doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ khoảng 17 nghìn tỷ đồng.

Đến hết quý II/2017, các tổ chức tín dụng cũng đã thực hiện ký cam kết cho vay đối với khách hàng tham gia Chương trình cho vay bình ổn thị trường với số vốn khoảng 19,42 nghìn tỷ đồng trong tổng dư nợ tín dụng trên 4,1 nghìn tỷ đồng và mức lãi suất cho vay ngắn hạn VND tiếp tục được duy trì ở mức 4% - 9%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 5,5% - 10,8%/năm.

Theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay vốn vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chiếm tỷ lệ nhỏ do nhiều vướng mắc, khó khăn về thu tục vay vốn, tài sản thế chấp...

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, quyền sở hữu tài sản không minh bạch, chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ đã vay...

Điều đáng nói là nguồn vốn luôn sẵn sàng, nhưng chính các tổ chức tín dụng cũng đang gặp không ít khó khăn trong việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực mới, đặc thù; đồng thời còn nặng về tài sản đảm bảo khoản vay hay khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi cho vay vốn do không có thông tin đầy đủ về doanh nghiệp; không kiểm soát được quá trình mua bán, thanh toán hóa đơn hàng hóa..., dẫn tới tâm lý e dè khi quyết định cho vay đối với đối tượng này.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia còn chỉ ra rằng, nguyên nhân còn do sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng còn chưa tốt.

Cùng với đó là tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ diễn biến ngày càng phức tạp cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và kéo theo hiệu quả cho vay của các tổ chức tín dụng cũng giảm sút.

Chính vì lẽ đó, việc mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và cho kinh tế hộ gia đình đang đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm như: rủi ro về việc sử dụng vốn sai mục đích; rủi ro về sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn, nhất là bất động sản; rủi ro về mở rộng quy mô không phù hợp với nhu cầu thị trường và năng lực quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa hay rủi ro về quản lý vốn, quản lý tài chính của doanh nghiệp thiếu sự minh bạch...

Ông Nghĩa khuyến nghị, các ngân hàng thương mại cần có cơ chế và biện pháp kỹ thuật thích hợp để giám sát việc sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất, tránh lệ thuộc vào quy trình thủ tục đơn thuần.

Các doanh nghiệp cũng cần báo cáo định kỳ cho doanh nghiệp về các chi tiêu tài chính cơ bản có liên quan đến sử dụng vốn vay. Điều này vừa giúp ngân hàng quản lý nợ có hiệu quả vừa giúp doanh nghiệp quản lý vốn vay và tài chính hữu hiệu, tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra.

Muốn làm được điều đó, cán bộ tín dụng ở các ngân hàng thương mại cần có kế hoạch bám sát hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp về quản lý vốn và sử dụng vốn vay, kịp thời phát hiện những rủi ro để chấn chỉnh và kiến nghị phương án giải quyết, xử lý.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực lại cho rằng, cần phải thiết kế những sản phẩm đặc thù đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời tăng cường cung cấp các dịch vụ như: tư vấn, đào tạo, thông tin, hội thảo... nhằm giúp các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu rõ về những sản phẩm ấy.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu; phối hợp với các cơ sở bán lẻ, Hiệp hội, quỹ bảo lãnh.... để giảm thiểu việc chồng chéo trong thẩm định khi đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Song song với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa đi đôi với hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức về tài chính tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục