Cải cách môi trường kinh doanh: Cuộc đua không dừng (Bài 2)

06:16' - 21/06/2016
BNEWS Điều khó khăn nhất trong cải cách môi trường kinh doanh là sự trì trệ, thờ ơ của một số bộ, ngành, địa phương.

Bài 2: Cần giải các điểm nghẽn

Với những kinh nghiệm và kết quả đạt được trong hai năm thực hiện Nghị quyết 19, ngày 29/4 vừa qua, Chính phủ đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận tích cực về những chuyển động mạch lạc, đúng hướng đang được Chính phủ. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngay sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với những mục tiêu và phương thức thực hiện rất cụ thể.

Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, chưa đầy một tháng, Chính phủ đã ban hành đến hai Nghị quyết cực kỳ quan trọng liên quan đến môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận tích cực về những chuyển động mạch lạc, đúng hướng đang được Chính phủ đặt ra và bắt đầu ở một số bộ ngành, địa phương. Nhưng sự phối hợp và tính đồng bộ, nhất quán giữa các bộ ngành, địa phương và các cấp hành chính vẫn đang là các điểm nghẽn cần được giải tỏa.

Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết,  ông đã nghe nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ phàn nàn rằng Nghị quyết, văn bản pháp luật quy định như vậy, nhưng khi đến cấp thực hiện thì không hẳn như vậy.

Ông Vinh cho rằng đây là vấn đề rất đáng quan ngại, nan giải vì ý chí và chỉ đạo của Chính phủ đã có nhưng đến khâu thực hiện của cấp dưới "nhạt" đi nhiều.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, đã 3 lần Chính phủ ban hành Nghị quyết 19, qua 3 năm Việt Nam thu được nhiều kinh nghiệm trong cải cách môi trường kinh doanh. Điều khó khăn nhất trong cải cách môi trường kinh doanh là sự trì trệ, thờ ơ của một số bộ, ngành, địa phương.

Nhìn chung các bộ, ngành và địa phương chưa tích cực triển khai do vậy, để thực hiện tốt Nghị quyết 19 năm 2016 phải theo đến cùng vấn đề và truy đến cùng trách nhiệm…

“Chúng tôi hy vọng lần này, với tinh thần mới của Chính phủ nhiệm kỳ mới, với cam kết rất mạnh mẽ trong cải thiện môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản, giảm chi phí, giảm rủi ro, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thì sự thờ ơ, trì trệ đó sẽ mất dần, thay vào đó là sự tích cực, chủ động thay đổi để phục vụ cho doanh nghiệp tốt hơn”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Liên quan đến rà soát và ban hành các điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, tính đến hết ngày 2/6/2016, có 68/86 văn bản quy định chi tiết cần ban hành trước ngày 1/7/2016 đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định và các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được 46/68 văn bản.

Vẫn còn 18/86 văn bản chưa gửi hồ sơ thẩm định cho Bộ Tư pháp và 22/68 văn bản chưa được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau khi đã được Bộ Tư pháp thẩm định.

Như vậy, tiến độ soạn thảo, trình văn bản trong thời gian tới rất gấp, song Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: Giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là giảm nhũng nhiễu cho doanh nghiệp.

Vì vậy, cần thống kê cụ thể giảm được bao nhiêu và có thông báo cụ thể, quan trọng nữa là không giảm cơ học hay “cứng hóa” các điều kiện. Và cũng không vì áp lực thời gian mà bỏ qua chất lượng.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: Giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là giảm nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Bên cạnh điểm nghẽn về phía quản lý, khi thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP vẫn còn thách thức đến từ đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhất là đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đòi hỏi các nỗ lực chung tay của nhiều cơ quan Nhà nước và khu vực tư nhân.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Nghị quyết 19/2016 vẫn còn đối mặt nhiều thách thức cải cách hành chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Hiện nay, có 35% hàng hóa xuất nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra trong quá trình thông quan tại cửa khẩu, nhưng sẽ phải giảm xuống 15% vào cuối năm nay, đây là công việc khổng lồ, là áp lực rất lớn đối với ngành hải quan.

Vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cần thay đổi, cải tiến quy trình thủ tục hải quan; tăng cường số lượng trang thiết bị hiện đại; bổ sung nhân sự tại các cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa qua cửa khẩu nhanh chóng, chính xác.

Mặc dù còn nhiều thách thức trong cải cách môi trường kinh doanh, nhưng những thông điệp và hành động của Chính phủ đang tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Qua đó có thể giúp Việt Nam vươn lên là nước có môi trường kinh doanh tốt trong khu vực vào năm 2020.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào sự thay đổi môi trường kinh doanh. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Michael Trueblood Trueblood – Giám đốc Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị Nhà nước, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID Vietnam) cho rằng, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam và sự tham gia tích cực của các bên liên quan, những mục tiêu cải cách được nêu trong Nghị quyết số 19/2016 sẽ sớm được hiện thực hóa.

Việt Nam đã bước vào một “cuộc đua” thực sự trong cải cách môi trường kinh doanh với các nước trong khu vực và không thể dừng lại hay chậm trễ được nữa. Bởi nếu chậm trễ, Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau và mất đi nhiều cơ hội để phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Xem thêm:

>> Cải cách môi trường kinh doanh: Cuộc đua không dừng - Bài 1: Những tín hiệu cải cách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục