Cần xử lý tận gốc tình trạng sử dụng trái phép nhãn hiệu Petrolimex

10:41' - 20/12/2017
BNEWS Việc ngày càng có nhiều cửa hàng xăng dầu sử dụng trái phép nhãn hiệu Petrolimex để "đánh lận con đen" đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp chân chính.
Công ty TNHH một thành viên Thương mại Phát Lộc (km 72, xã EaNam, huyện Ea Hleo) đã vi phạm nhãn hiệu Petrolimex đã được pháp luật bảo hộ. Ảnh: Petrolimex Nam Tây Nguyên

Tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu không thuộc hệ thống của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nhưng lại sử dụng trái phép nhãn hiệu Petrolimex đã được pháp luật bảo hộ để đánh lừa người tiêu dùng đang ngày một gia tăng.

Vi phạm ngày càng gia tăng

Thực tế kiểm tra, khảo sát trong hai tháng qua của các công ty xăng dầu Petrolimex tại Hải Phòng, Sơn La, Hòa Bình, Đắk Lắk, Quảng Nam cho thấy, nhiều cửa hàng xăng dầu của tư nhân đã ngang nhiên vi phạm Luật Sở hữu Trí tuệ khi công khai sử dụng bộ nhận diện thương hiệu Petrolimex.

Theo đó, hầu hết các cửa hàng xăng dầu này đã tự ý sử dụng nhãn hiệu Petrolimex hoặc chữ “P” trên mái cửa hàng, dán nhãn hiệu chữ “P” ở cột bơm xăng hay sơn màu diềm mái cửa hàng (cam và xanh dương) giống như của Petrolimex.

Tháng 10 vừa qua, cán bộ nghiệp vụ Petrolimex Nam Tây Nguyên đã phát hiện và chụp ảnh tại hiện trường 3 công ty tư nhân tại Đắk Lắk đã vi phạm nghiêm trọng đối với nhãn hiệu của Petrolimex. Cụ thể là Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ Huynh Hạnh (thôn Thăng Quý, xã Vụ Bổn, huyện KrôngPak); Công ty TNHH một thành viên Thương mại Phát Lộc (km 72, xã EaNam, huyện Ea Hleo) và Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại Tiến Phú (Khối 6, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar). Sau khi nhận được thư khuyến cáo của Petrolimex Nam Tây Nguyên, đến ngày 6/11/2017, các doanh nghiệp này mới chấp nhận tháo dỡ.

Tương tự như vậy, tại Tuyên Quang, cán bộ nghiệp vụ của Petrolimex Tuyên Quang đã phát hiện cửa hàng xăng dầu số 1 Thượng Ấm thuộc Công ty TNHH Xây dựng và Vận tải Hoàng Sơn (xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương) xâm phạm nghiêm trọng đối với nhãn hiệu Petrolimex và đến ngày 14/11/2017 đã tháo dỡ các dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu Petrolimex.

Cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ Huynh Hạnh tại xã Vụ Bổn, huyện KrôngPak, Đắk Lắk vi phạm nhãn hiệu của Petrolimex đã được pháp luật bảo hộ. Ảnh: Petrolimex Nam Tây Nguyên

Thiếu chế tài...

Trước tình trạng vi phạm nhãn hiệu Petrolimex, ngày 20/11, Tổng giám đốc Petrolimex Phạm Đức Thắng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo bảo vệ thương hiệu (gọi tắt là BCĐ 679) do Phó Tổng Giám đốc Petrolimex phụ trách kinh doanh Trần Ngọc Năm làm Trưởng ban.

BCĐ 679 có trách nhiệm tham mưu, xây dựng kế hoạch, đề xuất với lãnh đạo Tập đoàn các biện pháp bảo vệ thương hiệu Petrolimex; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thành viên Petrolimex kiểm tra, giám sát, phát hiện và báo cáo các vi phạm để kịp thời xử lý theo Nghị định 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí và Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Với việc thành lập BCĐ 679, Petrolimex kiên quyết tạo lập sự khác biệt, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, bảo vệ nhãn hiệu vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ và Hiệp hội Nhãn hiệu Quốc tế (INTA) công nhận, góp phần tiếp tục nâng cao năng suất ở khối bán lẻ xăng dầu.

Đại diện Petrolimex cũng cho biết, bảo vệ thương hiệu Petrolimex không chỉ là “sự sống còn” với doanh nghiệp mà còn nhằm mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng trong việc được mua sản phẩm chất lượng, giá cả theo quy định và đong đếm chính xác về số lượng.

Thực tế tại nhiều quốc gia cho thấy, việc vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ có thể khiến doanh nghiệp vi phạm bị xử phạt nặng về tài chính, thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh hay bị kiện ra Toà án.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, bên cạnh tăng cường công tác thanh tra, giám sát, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng; đồng thời sớm xây dựng các chế tài xử phạt nghiêm minh với các hành vi nhái thương hiệu, vi phạm thương hiệu cũng là giải pháp hữu hiệu để xử lý tận gốc những tồn tại này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục