Petrolimex ưu tiên mua sản phẩm xăng dầu trong nước

16:07' - 19/12/2017
BNEWS Petrolimex luôn ưu tiên bao tiêu các sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước trên cơ sở nguyên tắc thị trường cạnh tranh, đôi bên cùng có lợi.
Ông Nguyễn Quang Dũng: Petrolimex ưu tiên mua sản phẩm xăng dầu trong nước. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Tại buổi họp báo ngày 19/12 tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Nguyễn Quang Dũng cho biết: Petrolimex luôn ưu tiên bao tiêu các sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước trên cơ sở các điều kiện về thương mại, hậu cần, logistics, chất lượng sản phẩm và nguyên tắc thị trường cạnh tranh, đôi bên cùng có lợi.

Theo ông Dũng, hiện nguồn cung xăng dầu của Petrolimex bao gồm cả việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài và mua của nhà máy lọc dầu trong nước. Tuy nhiên, quan điểm của Petrolimex là ưu tiên bao tiêu sản phẩm xăng dầu trong nước trên cơ sở nguyên tắc thị trường cạnh tranh và các điều kiện khác. Vì vậy, Petrolimex cũng mong muốn mua sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Đến thời điểm này, Petrolimex đã nhận được thông báo chính thức Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ có sản phẩm thương mại vào năm 2018. Tuy nhiên, Petrolimex vẫn chưa nhận được xác nhận từ phía Công ty Lọc dầu Nghi Sơn về thời điểm chính thức Nhà máy Nghi Sơn có sản phẩm thương mại với chất lượng sản phẩm, các chỉ tiêu chất lượng chi tiết.

Trong khi đó, với hoạt động kinh doanh xăng dầu, các điều khoản hợp đồng thương mại, điều khoản về giao nhận logistic, về nguồn cung sản phẩm đều phải được xác lập trước từ 3-6 tháng so với thời điểm giao nhận hàng. Ngay cả với các nguồn cung đã được xác lập ổn định trong nhiều năm thì việc giao hàng ngay tức thời cũng phải mất thời gian cả tháng, ông Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc mua sản phẩm xăng dầu của Lọc dầu Nghi Sơn sẽ gặp một số khó khăn xuất phát từ những điều kiện hiện nay của cầu cảng Nghi Sơn, luồng lạch vào ra bến cảng, điều kiện thời tiết thuỷ văn của việc nhập xuất hàng ở Nghi Sơn. Đặc biệt, dự án lọc dầu Nghi Sơn chỉ làm hệ thống xuất bằng đường bộ đáp ứng được 5% sản lượng nhà máy trong khi nhu cầu xuất hàng qua đường bộ có thể lên đến 30%.

Ông Dũng cũng cho biết, trong 6 tháng qua, Petrolimex đã khảo sát và đánh giá những khó khăn trong việc mua sản phẩm của Nghi Sơn để đề xuất với nhà máy các giải pháp cải tạo, cải tiến, nâng cấp hệ thống xuất bộ và xuất thủy, đảm bảo hạ tầng tiếp nhận hàng hóa để doanh nghiệp đầu mối như Petrolimex có thể lấy hàng ổn định, dài hạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục