Điểm tên 3 cầu lớn qua sông Hồng được xây dựng trong giai đoạn tới

07:48' - 24/11/2024
BNEWS Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh thống nhất về chủ trương đầu tư 3 cầu lớn qua sông Hồng trong giai đoạn từ năm 2025-2030, đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị.

Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản số 532/TB-VP ngày 14/11/2024 truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi làm việc về tình hình triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh thống nhất về chủ trương đầu tư 03 cầu lớn qua sông Hồng trong giai đoạn từ năm 2025-2030, giao nhiệm vụ các đơn vị.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên thống nhất về chủ trương thực hiện bằng vốn đầu tư công (đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đoạn đường từ cầu Tứ Liên đến đường Trường Sa nghiên cứu theo theo hướng hợp đồng EPC). Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn làm việc với Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Trung Quốc và Tập đoàn Vingroup – Công ty CP để trao đổi, thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên đảm bảo đảm bảo khả thi, hiệu quả, sớm triển khai đầu tư xây dựng. Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xem xét Tờ trình số 5744/TTr-SGTVT ngày 06/11/2024 của Sở Giao thông vận tải về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư, tham mưu, đề xuất báo cáo UBND Thành phố trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 01/2025; tham mưu, đề xuất phương án bố trí vốn đầu tư công thực hiện Dự án đầu tư.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và đường hai đầu cầu, thống nhất về chủ trương thực hiện Dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công. Sở Giao thông vận tải khẩn trương tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư (đã giao nhiệm vụ tại Quyết định số 5262/QĐ-UBND 2 ngày 08/10/2024 của UBND Thành phố), trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt theo đúng quy trình, quy định; báo cáo UBND Thành phố trong tháng 2/2025.

Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu, đề xuất phương án bố trí vốn đầu tư công thực hiện Dự án đầu tư, đảm bảo khả thi, hiệu quả, sớm triển khai đầu tư xây dựng.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu, thống nhất về chủ trương thực hiện Dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công (nguồn vốn của thành phố Hà Nội, của tỉnh Hưng Yên và vốn hỗ trợ của Trung ương theo quy định). Các Sở: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc; UBND các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên tại Thông báo số 451/TB-VP ngày 27/9/2024; Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tham mưu, để xuất UBND Thành phố việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu chính qua sông Hồng, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 12/2024.

Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xem xét Tờ trình số 1179/TTr SGTVT ngày 07/11/2024 của Sở Giao thông vận tải về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư, tham mưu, đề xuất báo cáo UBND Thành phố trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 01/2025; tham mưu, đề xuất phương án bố trí vốn đầu tư công thực hiện Dự án đầu tư.

Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Thủ đô có 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội.

Việc đầu tư xây dựng, hình thành các cây cầu qua sông Hồng tạo mạch kết nối, liên thông giữa khu vực hai bên sông Hồng. Từ đó, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo diện mạo mới có tính đột phá về phát triển cho các khu vực phía bắc sông Hồng theo đúng định hướng quy hoạch.

Ngày 16/6 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô với 12 quận, 17 huyện và một thị xã, diện tích 3.359,84km2.

Trong đó, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô tiếp tục đặt mục tiêu phát triển các đô thị vệ tinh với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài (Võ Nguyên Giáp)…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục