Cấp bách xây dựng thương hiệu tôm, cá tra

19:01' - 12/06/2018
BNEWS Ngày 12/6, tại Tp.Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội nghị toàn thể hội viên năm 2018 và kỷ niệm 20 năm thành lập (1998-2018).

Tại đây, vấn đề xây dựng uy tín, thương hiệu cho ngành thủy sản tiếp tục được các đại biểu đặt ra và đề xuất biện pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Cá tra Việt Nam "tìm đường" xuất khẩu. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Theo VASEP, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 139 thị trường; trong đó, 4 thị trường dẫn đầu có thị phần gần tương đương nhau là Mỹ, Nhật Bản (15%); châu Âu, Trung Quốc (14%).

Đáng chú ý, Trung Quốc có thể vươn lên trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam từ quý II/2018, nhờ tốc độ tăng trưởng cao nhất (37%). Trước đây, thị trường Trung Quốc chiếm vị trị rất nhỏ trong cơ cấu thủy sản xuất khẩu, nhưng gần đây tăng trưởng liên tục, năm 2017 lần đầu lọt vào top thị trường tỷ USD (1,28 tỉ USD, đứng vị trí thứ 4, chiếm 15% tổng kim ngạch).

Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP, trong năm 2018, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức từ thị trường xuất khẩu. Đơn cử như thuế chống bán phá giá, các rào cản kỹ thuật, những rào cản từ vấn đề thẻ vàng của Liên minh châu Âu (EU) và các vấn đề về nguyên liệu (nguồn cung và giá nguyên liệu không ổn định; vấn đề truy xuất nguồn gốc…).

Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp biết tận dụng lợi thế như cơ hội cạnh tranh với các đối thủ Ấn Độ, Thái Lan; thuận lợi từ các Hiệp định thương mại tự do; tăng cường công tác quản lý sản xuất… thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành thủy sản sẽ tiếp tục được duy trì. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 sẽ đạt 10 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2017.

Đối với ngành cá tra, theo thông tin từ các doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu tiếp tục thuận lợi với mức giá khá cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi và doanh nghiệp ổn định sản xuất. Nhiều thị trường mới cũng mở ra, giúp doanh nghiệp phát triển được sản phẩm phù hợp, trong đó có một số thị trường mới tiềm năng.

Bà Nguyễn Thị Ánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Ngọc Xuân, cho biết, ở thời điểm này, nông dân đang bắt đầu thả nuôi lại, với giá cá giống cao gấp 3 lần trước đây. Tuy nhiên, lo ngại rằng, tình trạng này có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung vào đầu năm 2019. Khi đó, giá cả nguyên liệu có thể sụt giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi nếu ngành nông nghiệp, các địa phương không kiểm soát chặt vấn đề nuôi trồng cá tra.

Còn với mặt hàng tôm, do nguồn cung tôm từ các nước tăng mạnh đã khiến giá nguyên liệu trong nước thời gian qua giảm liên tục. Hiện giá tôm trong nước đã bắt đầu tăng nhẹ, nhưng tình hình khó khăn có thể sẽ kéo dài, đòi hỏi doanh nghiệp phải tiếp tục nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là vấn đề tiên quyết để ngành thủy sản phát triển ổn định và bền vững hơn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá cao, những nỗ lực và kết quả của VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đã đạt được trong thời gian qua. Nhờ sự sáng tạo, đổi mới trong tư duy của VASEP đã góp phần đưa ngành thủy sản phát triển thần tốc với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng từ 1 tỷ USD vào năm 2000 và đã vươn lên trên 8,3 tỷ USD vào năm 2017.

Bên cạnh những cơ hội rộng mở, ông Nam cũng đề cập đến những thách thức mà ngành thủy sản có thể phải đối mặt trong thời gian tới như vấn đề bảo hộ thương mại ở một số thị trường lớn; rào cản kỹ thuật; thẻ vàng IUU ở thị trường EU…

Đáng chú ý, tại hội nghị, ông Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa chỉ đạo Tổng cục Thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kết hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) rà soát lại các đề án liên quan đến vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho 2 sản phẩm chủ lực là cá tra và tôm, nhằm gia tăng giá trị cho ngành. Tuy nhiên, chưa biết đề án phát triển 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra đang nằm ở đâu để thực hiện.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị VASEP cần đăng ký làm việc cùng lúc với cả 3 đơn vị trên để tìm xem nội dung phát triển thương hiệu tôm, cá tra nằm ở đề án nào để sớm xúc tiến thực hiện.

Bởi ai cũng biết vấn đề thương hiệu rất quan trọng đối một ngành hàng xuất khẩu. Trong thời gian qua, dù là mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ đô, tuy nhiên, việc chưa xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc gia đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của các ngành hàng này.

Thực tế cũng cho thấy, dù ngành hàng cá tra đã phát triển hơn 20 năm nay, nhưng liên tục bất ổn và thiếu bền vững, bị ảnh hưởng xấu do truyền thông nước ngoài bôi nhọ. Hay ngành tôm, dù được kỳ vọng đạt xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025, tuy nhiên đợt ảnh hưởng do nguồn cung thế giới tăng vừa qua cũng bộc lộ nhiều yếu điểm của ngành, nhất là ở khâu nuôi trồng.

Liên quan đến hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh hai sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản, trong thời gian qua, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp cũng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu.

Đơn cử như câu chuyện hình ảnh cá tra ở thị trường EU. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, đầu năm 2017, cá tra Việt bị một kênh truyền hình Tây Ban Nha bôi nhọ với thông tin hoàn toàn sai lệch về việc nuôi trồng cá tra trên dòng sông Mê Kông. Ngay lập tức VASEP và cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay xây dựng đề án quảng bá hình ảnh cá tra Việt ở thị trường EU.

Theo đó, VASEP đã ký hợp đồng với một công ty truyền thông EU thực hiện chiến dịch quảng bá cá tra tại thị trường EU từ tháng 3-12/2017.

Kết quả, website Youreverydayfish.com đã được ra đời, trở thành trang điện tử đa ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan, chuyên giới thiệu về ngành cá tra Việt Nam cũng như phản ứng nhanh với các thông tin sai lệch, tiêu cực.

Nội dung ở trang web này cũng được tích hợp, kết nối với các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, Twitter… để người tiêu dùng dễ tiếp cận.

Đại diện VASEP cũng cho biết, trong thời gian tới hiệp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và quảng bá hình ảnh thủy sản. Nhất là tập trung vận động cho việc khôi phục hoạt động của Qũy phát triển thị trường, để ứng phó với những sự cố liên quan đến vấn đề uy tín, thương hiệu sản phẩm ở các thị trường xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục