Châu Phi đối mặt với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (Phần 2)

06:30' - 21/05/2017
BNEWS Để có thể tận dụng các cơ hội do cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại, châu Phi cần đầu tư mạnh mẽ để trang bị cho người dân những kỹ năng cần thiết cho các công việc trong tương lai.
Châu Phi đối mặt với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Ảnh: Reuters

Nhân dịp Diễn đàn Kinh tế Thế giới về châu Phi năm 2017 (WEFA 2017), vừa được tổ chức ở Nam Phi, trang tin weforum.org đã có bài phân tích về những giải pháp giúp châu Phi đương đầu với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư của tác giả Elsie S. Kanza.

Năm nay, châu Phi dự kiến sẽ khởi động Khu vực Thương mại Tự do châu lục (CFTA). Mục tiêu chính của CFTA là thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực châu Phi bằng cách nới lỏng việc trao đổi, luân chuyển hàng hóa và con người trên lục địa và để cải thiện khả năng cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế của châu Phi bằng cách giảm chi phí kinh doanh.

Thương mại nội khối châu Phi chiếm khoảng 15%, trong khi đó thương mại liên lục địa ở Liên minh châu  Âu là 60%, ở Đông Á là 53%, ở Bắc Mỹ là 41% và ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe là 20%. Một khi đạt được mốc này, hội nhập khu vực sẽ trở thành hiện thực. Bước tiếp theo là giúp cho người châu Phi dễ dàng đi lại trong châu lục này mà không cần thị thực.

Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất mới như việc sử dụng mạng Internet và in 3D đang giúp tự do hóa việc tiếp cận với công nghệ và phân cấp sản xuất.

Tại khu công nghiệp Gearbox của Kenya, các nhà sản xuất Kenya trong các ngành công nghiệp phi chính thức, bao gồm thợ thủ công không có kỹ năng chuẩn, đang sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, nhanh hơn và rẻ hơn.

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng châu Phi vẫn còn lạc hậu tương đối nhiều so với các nước khác trên phương diện sản xuất công nghiệp.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đã tăng gấp đôi từ năm 2005 đến năm 2014, lên hơn 100 tỷ USD, trong đó thương mại nội khối tăng từ 20% lên 34% trong cùng kỳ. Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu các sản phẩm chế tạo toàn cầu của châu Phi chưa đạt 1%, trong khi đó khu vực Đông Á đạt 16%.

Mặt khác, có rất nhiều nhà phát minh châu Phi mới nổi và đang đưa ra những giải pháp phù hợp với bối cảnh của châu lục này. Ước tính đến năm 2050, khu vực này cần có hơn 700 triệu căn nhà mới. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết của việc tìm kiếm loại hình nhà ở phù hợp để xây dựng.

Ông Elijah Djan, người Nam Phi, là một trong số những người tiên phong trong công cuộc này. Ông đã phát minh ra những viên gạch làm từ giấy, giảm bớt gánh nặng kinh tế bằng cách tái chế các chất thải.

Tuy nhiên, để các nhà đổi mới châu Phi có thể phát triển thì các nhà hoạch định chính sách cần cung cấp một cơ chế sở hữu trí tuệ thuận lợi và tạo điều kiện hơn nữa cho các ngành kinh doanh.

Theo tác giả Kanza, để có thể tận dụng đầy đủ các cơ hội do cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại, châu lục này cần phải đầu tư mạnh mẽ để đảm bảo rằng người châu Phi được trang bị những kỹ năng cần thiết cho các công việc trong tương lai.

Ví dụ, theo ước tính, châu Phi sẽ đối mặt với việc thiếu hụt khoảng 1 triệu kỹ sư. Ngoài ra, lục địa này cần nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu tình trạng chênh lệch công nghệ theo giới tính đang ngày càng gia tăng.

>>> Châu Phi đối mặt với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (Phần 1)

>>> Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở châu Phi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục