Tác động của việc Mỹ cắt giảm ngân sách LHQ đối với châu Phi

15:40' - 14/04/2017
BNEWS Các nước châu Phi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về cắt giảm ngân sách dành cho LHQ và các cơ quan viện trợ quốc tế (USAID) của nước này được thông qua?
Các nước châu Phi sẽ ảnh hưởng thế nào nếu đề xuất của Tổng thống Donald Trump được thông qua? Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết trên trang tin “Allafrica.com”, trong đề xuất ngân sách có tiêu đề “Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ: Một kế hoạch ngân sách để làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại”, Tổng thống Trump dự định sẽ tăng chi tiêu quân sự lên 54 tỷ USD bằng cách giảm phân bổ ngân sách cho các khu vực khác.

Ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao sẽ giảm 10,9 tỷ USD (28%), từ mức 38 tỷ USD hiện nay xuống còn 27,1 tỷ USD. 

Ông cũng đề nghị chấm dứt khoản tài trợ trị giá 28,2 triệu USD cho Tổ chức Phát triển châu Phi, cơ quan này có thể chỉ trợ cấp 250.000 USD cho các cộng đồng và các doanh nghiệp nhỏ ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi. 

Dự thảo ngân sách trên, nếu được thông qua, sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 10/2017 và sẽ tác động mạnh đến Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) - một tổ chức cứu trợ quan trọng đặc biệt là tại các vùng bị ảnh hưởng của đói nghèo. Hơn 800.000 người tị nạn ở khu vực Sừng châu Phi, nhất là các trại tị nạn “khổng lồ” tại Dadaab và Kakuma của Kenya, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Sự cắt giảm này cũng có nghĩa là một số lực lượng gìn giữ hòa bình và các cơ quan viện trợ nhân đạo ở châu Phi sẽ buộc phải tổ chức lại để phù hợp với ngân sách của mình.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cũng nằm trong mục tiêu cắt giảm trên, với mức giảm 2,6 tỷ USD, tương đương 31%, nghĩa là từ 8,2 tỷ USD hiện nay xuống còn 5,7 tỷ USD năm 2017. 

Tổng thống Donald Trump cũng đang đề xuất loại bỏ hơn 50 chương trình của EPA với mức cắt giảm là 347 triệu USD và chấm dứt khoản ngân sách 100 triệu USD cho Kế hoạch Năng lượng Sạch nhằm giảm khí thải CO2.

Kế hoạch năng lượng sạch là chính sách khí hậu quan trọng của Tổng thống tiền nhiệm Mỹ Barack Obama. Các tổ chức gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc (LHQ) ở châu Phi có thể cũng bị ảnh hưởng đáng kể, như Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Phái bộ tại Darfur, Sudan, Phái bộ tại Nam Sudan và Phái bộ LHQ tại Cộng hòa Trung Phi. 

"Tôi đề nghị giảm kinh phí cho LHQ và các cơ quan trực thuộc, bao gồm các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ và các tổ chức quốc tế khác bằng cách đặt ra mong muốn rằng các tổ chức này sẽ tiết kiệm chi phí và gánh nặng tài chính được chia sẻ công bằng giữa các thành viên.

Ngân sách của LHQ sẽ giảm và chúng tôi sẽ không đóng góp quá 25% cho các chi phí gìn giữ hòa bình của LHQ", ông Trump tuyên bố. 

Mỹ tài trợ khoảng 10,4 tỷ USD cho các tổ chức quốc tế hàng năm, trong đó 8,8 tỷ USD cho LHQ. Mỹ chi trả 28,5% ngân sách gìn giữ hòa bình của LHQ, trị giá 7,9 tỷ USD.

Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho 4 tổ chức bảo vệ hòa bình châu Phi và những cắt giảm ngân sách trên sẽ để lại khoảng trống khổng lồ về tài chính.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Mới đây, phát biểu trong chuyến thăm Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đồng thuận với việc cắt giảm ngân sách: "Rõ ràng mức chi tiêu mà các cơ quan Mỹ đã sử dụng, đặc biệt là trong năm 2016, không thể kéo dài lâu hơn.

Chúng ta vẫn có thể làm rất nhiều việc thông qua “ngoại giao mềm”, xây dựng các mối quan hệ và giúp đỡ các cơ quan này nhưng dùng ít tiền hơn", ông Tillerson nói. 

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết việc cắt giảm tài chính ở Mỹ có thể dẫn đến việc áp dụng các biện pháp mang tính tình thế làm suy yếu tác động của các nỗ lực cải cách lâu dài của LHQ.

Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết đóng góp của Mỹ vào tổ chức này là không công bằng. "LHQ tiêu tốn nhiều tiền hơn mức cần phải chi và theo nhiều cách LHQ đặt gánh nặng tài chính lên vai nước Mỹ lớn hơn so với các nước khác", bà Haley nói.

Tổng giám đốc của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế David Miliband đã mô tả những đề xuất cắt giảm cho USAID là "phản tác dụng, hiểu lầm và nguy hiểm".

Hơn nữa, ngân sách viện trợ nước ngoài của Mỹ chỉ chiếm 1% ngân sách liên bang, một khoản chi tiêu rất nhỏ nhưng cứu được nhiều mạng sống và lan truyền nghĩa cử cao đẹp trên khắp thế giới ", ông Miliband cho biết. 

Khoản tài trợ tự nguyện cho LHQ cũng bị ảnh hưởng - đó là các khoản liên quan đến các nhiệm vụ khẩn cấp và nhân đạo.

"Mặc dù chúng ta cho phép tài trợ cho các hoạt động trợ giúp nhân đạo, bao gồm viện trợ lương thực, thiên tai và tài trợ cho các chương trình tị nạn, nhưng chúng ta sẽ tập trung vào những lĩnh vực có mức độ ưu tiên cao nhất, còn những lĩnh vực khác thì thế giới phải đóng góp công bằng”, ông Trump nói. 

Đề xuất ngân sách xóa bỏ khoản Tài trợ khẩn cấp cho người tị nạn và di cư và yêu cầu các tổ chức cứu trợ quốc tế và tổ chức phi chính phủ (NGO) phải hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã nhận khoảng 40% tổng ngân sách từ Mỹ và các tổ chức này đã cung cấp thực phẩm cứu trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở vùng Sừng châu Phi năm ngoái.

UNHCR đã chi 1,4 tỷ USD cho các nhiệm vụ cứu trợ ở khu vực châu Phi và WFP đã chi 115 triệu USD cho các trại tị nạn lớn nhất thế giới ở Dadaab và Kakuma của Kenya. 

Các ngân hàng phát triển đa phương cũng sẽ phải đối mặt với những khoản cắt giảm mạnh do việc Mỹ cắt giảm tài trợ cho Ngân hàng Thế giới (WB) lên đến 650 triệu USD. Tuy nhiên, ngân sách đề xuất của Mỹ không cắt giảm một số chương trình.

Ví dụ như các bệnh nhân trong Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về phòng, chống HIV/AIDS có thể thở phào nhẹ nhõm sau khi dự thảo ngân sách của Mỹ vẫn sẽ duy trì cam kết viện trợ như hiện tại khoảng 7 tỷ USD.

Các chương trình thuộc Quỹ hỗ trợ toàn cầu bệnh lao và sốt rét đã được ghi nhận là cứu sống hàng triệu người ở phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi cũng sẽ tiếp tục nhận được tài trợ từ Mỹ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục