Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong triết lý kinh doanh Inamori

20:14' - 06/03/2018
BNEWS Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản: “Triết lý kinh doanh Inamori-Đạo đức kinh doanh”.
Trong khuôn khổ các hoạt động nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam –Nhật Bản (1973-2018), chiều 6/3, tại Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản: “Triết lý kinh doanh Inamori-Đạo đức kinh doanh”.

Hội thảo có sự tham dự của ba diễn giả đến từ Nhật Bản gồm: Ông Fujita Tadashi, Phó Tổng Giám đốc điều hành Hãng Hàng không Nhật Bản; Giáo sư Taka Iwao, Khoa Nghiên cứu kinh tế sau đại học thuộc Đại học Reitaku và Giáo sư Hioki Koichiro, Khoa Kinh doanh Đại học Môi trường Tottori. Đây là những chuyên gia nghiên cứu về triết lý kinh doanh Inamori.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam Nagai Katsuro cho biết, Hội thảo là một trong những nỗ lực của Nhật Bản giúp Việt Nam xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi. Công sứ Nagai Katsuro mong muốn, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam dự Hội thảo sẽ sử dụng và phát huy một cách hữu ích những kiến thức, kinh nghiệm của Nhật Bản, góp phần phát triển kinh tế, đóng góp tích cực cho quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước.

Chia sẻ tại Hội thảo, Giáo sư Taka Iwao cho rằng, các doanh nhân cần học tập triết lý Inamori theo khía cạnh biến trung thực thành sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo ông, có hai hình thức giao dịch trong kinh doanh, đó là hợp đồng và dựa trên lòng tin. Người làm kinh doanh dựa rất nhiều vào “lòng tin” từ khách hàng và xã hội. Để có được “lòng tin” này, doanh nghiệp phải trung thực; nói cách khác, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chính là sự trung thực.

Giáo sư Hioki Koichiro cũng nhận định, quan điểm ưu tiên cho ý nghĩa xã hội của các hoạt động kinh doanh chính là gốc gác của triết lý Inamori; không phải vì lợi ích của bản thân mà vì hoạt động kinh doanh đó có ý nghĩa đối với xã hội. Ông Inamori khi quyết định đầu tư vào một lĩnh vực mới luôn tự hỏi mình “vì động cơ thiện hay vì chỉ vì tâm tư, điều này thể hiện cách suy nghĩ ưu tiên cống hiến cho xã hội hơn là vì lợi ích của bản thân". Suy nghĩ này của ông được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ủng hộ.

Tại Hội thảo, các diễn giả Nhật Bản đã giải đáp nhiều câu hỏi của đại diện các doanh nghiệp Việt Nam về việc làm sao biến triết lý Inamori thành hành động cụ thể; cách áp dụng triết lý Inamori vào nền kinh tế Việt Nam…

Ông Inamori Kazuo là một doanh nhân tài ba, người sáng lập hai công ty Kyocera và KDDI nổi tiếng tại Nhật Bản. Năm 2010, ông nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng hàng không Nhật Bản mà không yêu cầu trả lương, sau đó giúp hãng này hồi sinh một cách thần kỳ chỉ trong vòng ba năm sau khi bị phá sản.

Triết lý kinh doanh của ông Inamori vô cùng đặc biệt. Ông quan niệm, cứ sống “đúng với đạo làm người” và điều hành doanh nghiệp thì từng thành viên của doanh nghiệp sẽ hạnh phúc, Công ty sẽ phát triển, như lời ông nói: “Trao cơ hội phát triển cho mọi nhân viên cả về vật chất lẫn trí tuệ, và bằng nỗ lực, chúng ta sẽ cống hiến vào sự tiến bộ của xã hội và nhân loại”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục