Có khả thi khi đeo vòng chân cho lợn để truy xuất nguồn gốc thịt?

17:05' - 17/03/2017
BNEWS Chi phí mua vòng 6.000 đồng/con lợn, thuê người đeo là 10.000 đồng/con, như vậy với mỗi con lợn, người nuôi sẽ mất 16.000 đồng.
Người dân kêu khó với phương pháp đeo vòng chân cho lợn để truy suất nguồn gốc. Ảnh: Báo cung cầu

Ngày 17/3, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương Đồng Nai và Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đối thoại với gần 100 hộ chăn nuôi nhằm tháo gỡ khó khăn và truy xuất nguồn gốc thịt lợn khi xuất bán vào thị trường thành phố.

Tại buổi đối thoại, các chủ trang trại chăn nuôi lợn đồng tình với chương trình truy xuất nguồn gốc và cam kết sẽ thực hiện. Tuy nhiên, hầu hết các chủ trang trại đều nêu lên khó khăn khi áp dụng chương trình truy xuất nguồn gốc lợn bằng phương pháp đeo vòng chân, và đề xuất đeo thẻ tai cho lợn để truy xuất nguồn gốc vừa dễ dàng và giảm chi phí đối với người chăn nuôi.

Theo bà Bùi Thị Thủy, người chăn nuôi lợn tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai, thời gian qua, người chăn nuôi lợn bị lỗ nặng. Nguy cơ phá sản vì giá xuống thấp trong khi chi phí truy xuất nguồn gốc cho từng con lợn cao, tạo thêm gánh nặng cho người chăn nuôi.

Chi phí mua vòng 6.000 đồng/con lợn, thuê người đeo là 10.000 đồng/con, như vậy mỗi con lợn sẽ mất 16.000 đồng. Với những trại lợn khoảng 1.000 con mất 16 triệu đồng, đây là số tiền không hề nhỏ trong khi người chăn nuôi đang chịu lỗ nặng.

Ông Trần Quang Trung, người chăn nuôi lợn tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất cho biết, việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc ở 2 chân sau của con lợn là rất khó khăn, nếu làm không khéo có thể bị lợn đá 2 chân sau vào mặt người đeo, rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó đeo vòng này rất bẩn vì phân lợn sẽ bám tụ lâu ngày, hơn nữa việc đeo vòng chưa chắc đã truy xuất được nguồn gốc vì chỉ đeo ở 2 chân sau, khi giết mổ thành nhiều phần, đưa ra ngoài thị trường người tiêu dùng làm sao biết được con lợn đó có đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, chương trình truy xuất nguồn gốc cho lợn được thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu sẽ truy xuất nguồn gốc từ lò mổ (đeo vòng chân cho lợn), giai đoạn 2 sẽ truy xuất từ trang trại (bấm thẻ tai).

Đeo vòng chân chỉ là giải pháp thực hiện trong giai đoạn đầu, về lâu dài sẽ có tem chống hàng giả, từ đó người tiêu dùng có thể đọc được tất cả những thông tin, truy xuất nguồn gốc của từng con lợn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường lớn, khó tính, một ngày tiêu thụ 10.000 con lợn nhưng bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Chỉ những con lợn có đeo thẻ chân mới được nhập vào thị trường thành phố, nếu không thực hiện việc đeo thẻ thì chính chúng ta sẽ tự loại trừ chúng ta".

Để giải quyết những khó khăn ban đầu về tài chính cho người chăn nuôi, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, thời gian đầu Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảm 50% chi phí vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đồng thời, về lâu dài, những địa phương tham gia và thực hiện tốt đề án tạo vùng thực phẩm an toàn sẽ nhận được giá bán tương xứng.

Vì vậy, để hài hòa lợi ích trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc lợn, thời gian tới các đơn vị tiêu thụ nên đưa chi phí đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc vào giá bán trên thị trường thay vì để người chăn nuôi phải tự chi trả.

Đồng Nai hiện là địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất cả nước với khoảng 2,2 triệu con. Mỗi ngày các hộ nuôi lợn ở Đồng Nai xuất bán vào thị trường Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 5.000 - 6.000 con lợn./.

>>> Tp. Hồ Chí Minh công bố gần 350 điểm bán truy xuất nguồn gốc thịt lợn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục