Cuộc đua giữa hai “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba và JD.com

05:30' - 14/05/2018
BNEWS Sự cạnh tranh giữa hai tập đoàn thương mại điện tử của Trung Quốc là Alibaba và JD.com gay gắt đến mức mà người ta còn gọi đó là “đại chiến chó mèo”.
Đã có 25 tỷ USD hàng hóa được bán ra trên các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba vào dịp Single Day năm 2017. Ảnh: Reuters

Trong đó, theo linh vật con mèo đen của Tmall thuộc tập đoàn Alibaba và chú chó trắng của JD.com. Alibaba và JD.com tuy có mô hình kinh doanh khác nhau, nhưng hai “đại gia” này lại đang dần "lấn sân” lẫn nhau.

Các sàn giao dịch thương mại điện tử của Alibaba kết nối người bán và người mua, và kiếm tiền thông qua quảng cáo, cũng như tiền hoa hồng và các loại phí. JD.com cũng vận hành một sàn giao dịch tương tự, nhưng cũng như Amazon, JD.com còn mua hàng từ các thương hiệu rồi tự bán và phân phối lại.

Trong khi Alibaba muốn đánh vào sự thống trị lâu nay của JD.com trong ngành hàng điện tử thì JD.com lại muốn chen chân vào ngành hàng thời trang chủ chốt của Tmall thuộc Alibaba.

Cả hai “ông lớn” này đều đã đổ hàng trăm triệu USD vào các thương vụ thâu tóm nhằm mở rộng phạm vi kinh doanh đến cả các cửa hàng truyền thống. Cuộc đua này còn khiến các thương hiệu phải đứng trước sự lựa chọn: Hoặc Alibaba hoặc JD.com.

Nhờ độ phủ sóng khổng lồ của Alibaba mà một công ty thời trang giấu tên của Mỹ cho biết doanh số bán hàng trực tuyến của mình có thể tăng đến 20%. Thế nhưng giới lãnh đạo của công ty này đã sớm nhận ra rằng Alibaba có thể lấy đi những gì mà nó mang đến cho mình. 

Công ty này cho biết sau khi họ khước từ các hợp đồng độc quyền với Alibaba, và thay vào đó là tham gia vào một chương trình khuyến mãi bán hàng lớn của JD.com Inc, kỳ phùng địch thủ của “ông lớn” này, thương biệu của họ 'biến mất" khỏi những vị trí nổi bật ở Tmall, và các sản phẩm cũng không còn xuất hiện trong Top kết quả tìm kiếm. 

Bên cạnh đó, công ty này cũng không được tham gia vào những chương trình bán hàng đặc biệt và số lượt truy cập vào gian hàng của họ cũng sụt giảm mạnh. Giám đốc thương mại điện tử của thương hiệu này cho biết nếu dựa vào báo cáo doanh thu thì công ty này phải được đứng ở một vị trí nổi bật, nhưng ngược lại họ phải “ngậm ngùi” ở cuối bảng. 

Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng đây rõ ràng là hành vi thao túng và trừng phạt của Alibaba. Không chỉ công ty nói trên mà có rất nhiều doanh nghiệp Mỹ khác với doanh số hàng năm lến đến hàng tỷ USD cũng đang rơi vào cảnh ngộ tương tự khi sự tăng trưởng của họ phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Ông Wang Hongbo, một chuyên gia tư vấn cho hay nhiều thương hiệu đã phàn nàn rằng họ phải đối mặt với nhiều hạn chế gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ trên sàn thương mại điện tử Tmall của Alibaba sau khi từ chối các hợp đồng độc quyền với “ông lớn” này. 

Ông Stephen Lamar, Phó Chủ tịch điều hành Hiệp hội may mặc và giày dép Mỹ (AAFA) cho biết đang hối thúc các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc điều tra và có biện pháp đảm bảo rằng những hành vi như vậy sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường thương mại điện tử đang lớn mạnh của Trung Quốc.

Theo những hợp đồng mà hãng tin AP có được, Tmall đã đưa ra nhiều quyền lợi để đổi lại quyền độc quyền đối với các thương hiệu. Trong đó, một hợp đồng quy định rõ rằng các thương hiệu không được mở gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử khác mà không có sự cho phép bằng văn bản của Tmall. 

Một hợp đồng khác lại yêu cầu các thương hiệu không được ra mắt các sản phẩm mới trên nền tảng của các đối thủ và ngăn cấm các thương hiệu tham gia vào các chương trình khuyến mãi bán hàng của các nền tảng này mà không có sự chấp thuận bằng văn bản của Tmall. Trong khi đó, những sự kiện khuyến mãi như vậy là “mạch máu” nuôi dưỡng hoạt động thương mại điện tử ở Trung Quốc. 

Lễ hội mua sắm nhân dịp lễ Độc thân (Singles Day) vào tháng 11 ở Trung Quốc hiện là sự kiện thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Alibaba cho biết đã có 25 tỷ USD hàng hóa được bán ra trên các nền tảng thương mại điện tử của tập đoàn này vào dịp Singles Day năm 2017, vượt xa với con số 14,5 tỷ USD tổng doanh số bán hàng trực tuyến ở Mỹ vào các dịp lễ Thanksgiving (Tạ ơn), Black Friday (thứ Sáu đen tối) và Cyber Monday (thứ Hai điện tử) gộp lại, theo số liệu từ Adobe Systems Inc.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP, hai công ty khác cho biết sau khi có những nhượng bộ với Alibaba, trong đó có việc bày bán các sản phẩm độc quyền trên sàn thương mại điện tử của "người khổng lồ" này, nâng giá sản phẩm bày bán ở đối thủ của Alibaba là JD.com…, thì lượng khách hàng truy cập vào các gian hàng của họ ở Tmall tăng trở lại. Thậm chí, một công ty cho biết đã phải rời bỏ JD.com để cứu lấy doanh số của họ ở Tmall.

JD.com cho biết hơn 100 thương hiệu Trung Quốc đã từ bỏ “ông lớn” này trong năm 2017 do những áp lực từ các đối thủ cạnh tranh. Dựa vào những phản hồi mà JD.com nhận được từ các thương hiệu này thì, quyết định “cất bước” của họ chủ yếu là do những biện pháp cưỡng ép từ các đối thủ của JD.com. Giám đốc tài chính của JD.com Sidney Huang cho biết nếu quả thực như vậy thì đây là hành vi bất hợp pháp và trái với ý muốn của các thương hiệu.

Về phía mình, Alibaba cho biết theo đuổi các hợp đồng độc quyền là hành vi phổ biến trong ngành thương mại điện tử và phủ nhận các cáo cuộc về việc cưỡng ép các doanh nghiệp. Alibaba mặc dù thừa nhận có cho các công ty ký hợp đồng độc quyền với Alibaba được hưởng nhiều quyền lợi, theo các quy định của pháp luật Trung Quốc, song cho biết các công ty này có quyền tự do lựa chọn nhà thương mại điện tử nào mà họ muốn hợp tác.

Hiện chưa chắc chắn là những hành vi của Alibaba có phải là bất hợp pháp, hay những bằng chứng từ các thương hiệu về việc bị tập đoàn này cưỡng ép có hiệu lực trước tòa hay không. Theo luật chống độc quyền của Trung Quốc, các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn trên một thị trường nào đó không được yêu cầu được độc quyền nếu không có lý do chính đáng. 

Một quy định được ban hành năm 2015 còn cấm các nền tảng thương mại điện tử không được hạn chế các thương hiệu tham gia vào các chương trình khuyến mãi bán hàng trên các nền tảng khác. Các quy định này được đưa ra nhằm ngăn chặn những “người chơi” lớn trên thị trường dồn ép các đối thủ cạnh tranh yếu thế hơn, từ đó có thể gây tổn hại cho cả các thương hiệu và người tiêu dùng vì quyền kiểm soát giá rơi vào tay một “người chơi” độc quyền.

Với khả năng sinh lời cao gấp đôi Amazon, mỗi năm Alibaba phục vụ số khách hàng còn lớn hơn cả dân số Bắc Mỹ. “Gã khổng lồ” này cho biết đây là thị trường tạo ra gần 550 tỷ USD mỗi năm, lớn hơn doanh số thương mại điện tử của toàn nền kinh tế Mỹ. 

Không dừng lại ở đó, nhà sáng lập Jack Ma còn nuôi tham vọng nâng tổng số khách hàng của Alibaba lên 2 tỷ người vào năm 2036, gần bằng 1/4 dân số toàn cầu. Tháng Sáu năm ngoái, Jack Ma còn tự tin nói với các nhà đầu tư rằng “đế chế” Alibaba sẽ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và có thể là Nhật Bản.

Chiến lược "chiêu mộ" rộng rãi các thương hiệu nước ngoài của Alibaba đã phát huy tác dụng. “Gã khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử này cho biết đã có 60.000 thương hiệu quốc tế tham gia vào lễ hội mua sắm của tập đoàn này nhân dịp Singles Day hồi tháng 11 năm ngoái, tăng mạnh so với con số 5.000 thương hiệu trong năm 2015. 

Được xem là cánh cửa để tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với nhiều thương hiệu lớn ở nước ngoài, Tmall chiếm đến 60% doanh số bán hàng trực tuyến thông qua kênh B2C (doanh nghiệp với khách hàng) ở Trung Quốc trong nửa cuối năm 2017.

Rõ ràng là trong khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang hối thúc Trung Quốc công bằng trong các quy định thương mại của mình, thì các doanh nghiệp Mỹ cũng đang bị vướng vào một cuộc chiến thầm lặng hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng để có thể tiếp cận với thị trường thương mại điện tử trị giá 610 tỷ USD của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục