Đã tìm thấy nguyên nhân khiến gạo đổi màu ở Đà Nẵng

14:57' - 02/06/2016
BNEWS Giữa tháng 5/2016, một số hộ dân tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng tỏ ra lo lắng khi loại gạo họ đang sử dụng có hiện tượng đổi màu sau một thời gian ngâm trong nước.

Như TTXVN đã đưa tin, vào trung tuần tháng 5/2016, một số hộ dân trú tổ 8B, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng tỏ ra lo lắng khi loại gạo họ đang sử dụng có hiện tượng đổi màu sau một thời gian ngâm trong nước.

Ngày 2/6, ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng cho biết: Theo các kết quả xét nghiệm và nhận định ban đầu cho thấy, 136 chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều không có trong gạo, nhiều khả năng trong lúc ngâm, gạo bị nấm mốc xâm nhập làm hư hỏng, hôi thối sau khi bị ngâm trong nước trên 40 giờ, đây là hiện tượng bình thường trong tự nhiên.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng đã cử cán bộ chuyên môn của xuống hiện trường gặp trực tiếp 2 người dân phản ánh hiện tượng này và được biết, một người phát hiện gạo đổi màu sau hơn 40 giờ ngâm nước (từ ngày 8/5 đến ngày 10/5) do người con trong nhà đổ nước vào gạo để chơi rồi bỏ quên, khi đem ra xem thì thấy có màu xanh.

Người còn lại cũng ngâm gạo trong chén rồi chắt nước ra và để quên khoảng 47-48 giờ (từ ngày 17/5 đến ngày 19/5) lúc đem ra xem thì gạo chuyển dần từ màu vàng sang màu xanh. Do đó, cả 2 trường hợp trên đã để gạo ẩm ướt nhiều ngày trong trạng thái có ngậm nước.

Theo kết luận ban đầu của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng, nấm mốc xâm nhập được vào gạo, khi gạo có hàm lượng nước trên 12%. Nếu gạo bị ẩm ướt nhiều ngày thì mức độ xâm nhập và phát triển nấm mốc càng nhiều.

Do đó, hiện tượng gạo đổi màu của hai hộ dân nói trên có biểu hiện bị nấm mốc xâm nhập làm hư hỏng, hôi thối sau khi bị ngâm trong nước sau hơn 40 giờ, đây là hiện tượng bình thường trong tự nhiên (một số thông tin chỉ nêu sau khi ngâm gạo có màu xanh là chưa đầy đủ thông tin).

Ông Tứ giải thích thêm, trong thực tế, các loại đậu đỗ, hạt có dầu như: lạc, ngô, đậu xanh, đậu nành... hay thức ăn để lâu ngày sẽ xuất hiện nấm mốc màu nâu, màu xanh...

Tuy nhiên, đối với gạo ít thấy hiện tượng nấm mốc, bởi gạo trong gia đình thường được bảo quản tốt trong các thùng kín, mua về dùng trong thời gian ngắn, rồi mua tiếp, không ai tích trữ gạo để quá lâu hoặc để gạo nơi ẩm ướt dẫn đến nấm mốc. Do đó, khi xảy ra gạo bị nấm mốc có màu vàng, xanh, nhiều người cho rằng đây hiện tượng lạ.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng khuyến cáo: Người dân cần bảo quản gạo ở nơi khô ráo, thông thoáng; không sử dụng các loại gạo nói riêng và thực phẩm khác nói chung bị nấm mốc, bởi một số loại nấm mốc như Aspergillus flavus sinh ra độc tố aflatoxin gây hại đến sức khỏe con người.

Các dụng cụ chứa đựng thực phẩm phải sạch, đảm bảo không gây ô nhiễm cho thực phẩm; không sử dụng các loại thùng đựng sơn quét tường, chứa xà phòng hoặc có chứa hóa chất độc trước đó, hoặc các loại bao bì đã chứa phân bón, hóa chất... để chứa đựng gạo và thực phẩm./. 

>>> Đọc tiếp: Quảng Ngãi phát hiện gạo nghi trộn nhựa 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục