Đàm phán Brexit tiến triển khó khăn

05:30' - 23/07/2017
BNEWS Nhà đàm phán Michel Barnier cho rằng vòng đàm phán Brexit đầu tiên diễn ra ngày 19/6 giữa EU và Anh là một sự khởi đầu hữu ích, nhưng công tác khó khăn chỉ mới bắt đầu.
Đàm phán Brexit tiến triển khó khăn. Ảnh: Reuters

Ông Barnier hối thúc Anh làm sáng tỏ lập trường trên tất cả các vấn đề chủ chốt trước khi bắt đầu giai đoạn đàm phán thứ hai về Brexit với người đồng cấp của Anh David Davis vào ngày 17/7 tại Brussels.

Ngày 12/7, ông Barnier đã báo cáo trước phiên họp toàn thể của Ủy ban châu Âu về diễn biến mới nhất của vòng đàm phán Brexit theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. 

Trong buổi họp báo sau đó, ông Barnier cho biết trong đàm phán giai đoạn đầu, hai bên tập trung vào các vấn đề cho việc Anh ra khỏi khối, bao gồm hóa đơn Brexit, quyền của công dân EU đang sinh sống tại Anh và ngược lại cùng với biên giới với Bắc Ireland.

Theo thống kê, hiện nay có khoảng 3,2 triệu công dân EU sống vĩnh viễn tại Anh, vì vậy, EU luôn nhấn mạnh việc bảo vệ quyền công dân là quan trọng bậc nhất trong đàm phán Brexit. 

Ngày 26/6, Chính phủ Anh công bố phương án bảo vệ quyền công dân EU, nhưng ông Barnier nói rằng hai bên có bất đồng khá lớn về vấn đề này.

Theo ông Barnier, EU mong công dân các nước thành viên tại Anh có thể được hưởng quyền lợi ngang với những công dân sống tại bất cứ nơi nào của EU, nhưng phương án hiện có của Anh không căn cứ theo nguyên tắc có đi có lại, mà theo luật pháp của Anh, đưa ra hạn chế như việc giải quyết đoàn tụ gia đình…

Bên cạnh đó, vấn đề quyết toán tài chính trước khi Anh rút khỏi EU, tức “lệ phí chia tay” cũng là một trong những vấn đề rất khó khăn. Ông Barnier nói thêm rằng Anh cuối cùng cần thừa nhận nghĩa vụ thanh toán “hóa đơn Brexit” mà theo ước tính của các quan chức EU sẽ vào khoảng 100 tỷ euro (112 tỷ USD). 

Ông cho rằng đó đơn giản là những nghĩa vụ tài chính mà Anh phải thực hiện trong thời gian là thành viên EU mà chỉ sau đó thì hai bên mới có thể bàn tới cách thức thực hiện việc thanh toán.

Về vấn đề biên giới giữa Anh và Bắc Ireland, ông Barnier nói EU mong sớm cùng Anh triển khai các cuộc thảo luận về khu du lịch chung giữa Ireland và Anh, xác định chính xác các mặt liên quan, và đảm bảo thi hành toàn diện Thỏa thuận hòa bình Bắc Ireland.

Ông Barnier nhấn mạnh, quyền công dân, hóa đơn Brexit và vấn đề biên giới giữa Anh và Bắc Ireland là ba nội dung quan trọng gắn bó chặt chẽ với nhau. Nói cách khác, chỉ giành được tiến triển một hoặc hai vấn đề trong đó, thì giai đoạn đầu của vòng đàm phán Brexit coi như chưa hoàn thành.

Đến ngày 13/7, Anh công bố dự luật rút khỏi EU, còn gọi là "Luật Hủy bỏ", nhằm chính thức chấm dứt quy chế thành viên của Anh trong EU. 

Dự luật trên được công bố trên trang web Quốc hội Anh, trong đó dòng đầu tiên của dự luật viết rằng "hòn đá tảng" pháp lý về quy chế thành viên của Anh - "Luật Cộng đồng châu Âu 1972" - sẽ "bị vô hiệu vào ngày ra đi". 

Về lý thuyết, việc Anh rời EU (Brexit) sẽ chính thức diễn ra vào tháng 3/2019.

Dự luật cũng chấm dứt quyền tối cao của Tòa án Tư pháp châu Âu (ECJ) ở Anh, đồng thời nêu chi tiết cách thức Chính phủ Anh chuyển đổi khoảng 12.000 quy định và luật của EU hiện nay thành luật pháp Anh, qua đó giúp giữ nguyên luật pháp ở nước này sau Brexit. 

Dự luật đặt ra các quyền hạn mà các bộ trưởng, với sự thông qua của Quốc hội, có thể sửa đổi các điều luật để đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả một khi được đưa vào luật pháp Anh. Các quyền này sẽ tồn tại trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày Anh chính thức rời EU.

Theo Bộ trưởng Brexit David Davis, dự luật trên sẽ đảm bảo rằng Vương quốc Anh sẽ có một "hệ thống pháp lý được vận hành đầy đủ" sau khi "ly hôn" với EU, đồng nghĩa với việc "Anh sẽ có thể rời EU với sự chắc chắn, liên tục và kiểm soát tối đa". 

Tuy nhiên, việc xét lại đạo luật sau hơn 4 thập kỷ bằng cách hủy bỏ "Luật Cộng đồng châu Âu 1972" sẽ không hề đơn giản, nhất là sau khi đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May đã đánh mất đa số tại Quốc hội.

Theo phóng viên TTXVN tại London, giới phân tích cho rằng điểm có thể gây xung đột về quan điểm với các đảng đối lập là dự luật nêu trên có một điều khoản đề cập rằng Hiến chương EU về các quyền cơ bản sẽ không được đưa vào luật của Anh vào ngày Brexit. 

Trước đó, Công đảng lên tiếng sẽ bỏ phiếu chống dự luật này nếu Chính phủ Anh không đưa ra được những thay đổi căn bản. 

Trong khi đó, Anh đã bổ sung quan điểm đàm phán rời EU về vấn đề hạt nhân, tư pháp và các vấn đề khác trước khi diễn ra vòng đàm phán đầy đủ với EU vào tuần tới, trong đó London nhấn mạnh sẽ rời khỏi Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom).

Trong một văn bản về "Vật liệu hạt nhân và vấn đề an toàn", Chính phủ Anh nêu rõ Vương quốc Anh sẽ rời khỏi Euratom, song muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Euratom nhằm giúp đảm bảo kế hoạch Brexit diễn ra suôn sẻ. 

Bên cạnh đó, văn bản còn nhấn mạnh Anh và Euratom cùng có lợi ích rõ ràng trong việc đảm bảo quan hệ hợp tác chặt chẽ.

Tư cách thành viên của Anh trong Euratom đã trở thành một tranh cãi lớn giữa các nhà đề xướng kịch bản Brexit "cứng" và "mềm". Theo Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU Michel Barnier, vấn đề này sẽ được thảo luận tại vòng đàm phán Brexit mới nhất giữa Anh và EU diễn ra vào tuần tới. 

Trước đó, nhà đàm phán của Nghị viện châu Âu (EP) về vấn đề Brexit, ông Guy Verhofstadt cũng nêu quan điểm rằng Anh sẽ không thể là thành viên của Euratom sau khi rời EU, song Euratom có thể tiếp tục hoạt động với Anh nếu London ký một thỏa thuận liên kết với EU sau khi rời khỏi khối này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục