Đằng sau quyết định tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Nhật Bản

06:30' - 23/07/2017
BNEWS Dù có một lịch sử không mấy tốt đẹp nhưng không thể phủ nhận quan hệ Trung-Nhật là mối quan hệ quan trọng bậc nhất trong khu vực châu Á.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: EPA/TTXVN

Đó là nội dung bài viết trên “Diễn đàn Đông Á” khi đề cập đến việc Tokyo muốn hợp tác với Bắc Kinh trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản bị chia rẽ bởi nhiều vấn đề khác biệt như chủ nghĩa thực dân Nhật Bản, các cuộc chiến tranh Trung-Nhật, tranh chấp lãnh hải ở Biển Hoa Đông, việc Bắc Kinh không chấp nhận vai trò chiến lược “bình thường” của Tokyo hay sự lo lắng của Nhật Bản về sức mạnh tương lai của Trung Quốc trong khu vực.

Tuy nhiên, thời gian gần đây quan hệ Trung-Nhật có dấu hiệu thay đổi theo hướng tích cực. Trong một bài phát biểu ở Tokyo mới đây, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố rằng “Nhật Bản sẵn sàng mở rộng hợp tác với Trung Quốc trong sáng kiến BRI”.

Điều này thể hiện một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Nhật Bản.

Kể từ năm 2014, Nhật Bản cùng với Mỹ kiên quyết phản đối sáng kiến BRI hay bất kỳ tổ chức kinh tế quốc tế nào do Trung Quốc thiết lập, chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB). 

Nhật Bản coi những sáng kiến này như một thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Tokyo trong Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay trật tự kinh tế quốc tế do Mỹ dẫn đầu, và chỉ trích các quy trình quản lý cũng như sự thiếu minh bạch của ngân hàng AIIB.

Nhưng tháng 5 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Abe đã cử ông Toshihiro Nikai, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do, tới Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường”, một quyết định được Chính phủ Trung Quốc ca ngợi. 

Trong buổi làm việc với ông Nikai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hoan nghênh Nhật Bản ủng hộ sáng kiến này, đồng thời giải thích rằng sáng kiến BRI có thể là một nền tảng mới và một “lĩnh vực thực nghiệm” đối với cả Trung Quốc và Nhật Bản nhằm đạt được sự hợp tác và phát triển cùng có lợi.

Sau đó, vào ngày 5/6, ông Abe đã có một bài phát biểu quan trọng, trong đó đề cập đến “giấc mơ tương lai” của châu Á.

Ông Abe cho rằng thế giới đang đứng ở ngã ba đường: một bên là trật tự kinh tế khép kín, bảo hộ và đang suy giảm, và một bên là “khu vực kinh tế tự do, cởi mở và công bằng” trong đó có “các quy tắc chất lượng cao” có thể liên kết Thái Bình Dương và khu vực Á-Âu. 

Theo ông Abe, các công cụ như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), và Hiệp định tự do thương mại Nhật Bản-Liên minh châu Âu (EU) có thể được sử dụng để xây dựng trật tự kinh tế tự do, cởi mở, công bằng và chất lượng cao.

Tuy nhiên, ông Abe đã không dừng lại ở đó. Thay vào đó, ông đã nhận thấy tầm quan trọng của sáng kiến BRI không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn làm tăng vai trò của châu Á như một trung tâm kinh tế toàn cầu, kết nối Đông và Tây. 

Ông Abe lập luận rằng, “Năm nay đánh dấu lần đầu tiên thành phố Nghĩa Ô (Trung Quốc) và Vương quốc Anh kết nối với nhau bằng một chuyến tàu chở hàng, vượt qua eo biển Manche. Sáng kiến BRI có khả năng kết nối Đông và Tây cũng như các khu vực khác nhau nằm ở giữa chúng”.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng là nguyên nhân khiến Nhật Bản thay đổi chính sách. Thứ nhất, kể từ khi ông Trump được bầu làm Tổng thống, quan hệ Mỹ-Trung luôn ở trạng thái “nguy cơ rủi ro cao”, dễ đổ vỡ, bởi vì ông Trump tập trung ưu tiên một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên thông qua Bắc Kinh. 

Tất nhiên, Tokyo hiểu rằng việc quản lý lâu dài bán đảo Triều Tiên không thể được giải quyết chỉ bởi hai nước Mỹ và Trung Quốc. Thay vào đó, nó sẽ đòi hỏi một mức độ cao của sự phối hợp giữa Tokyo và Bắc Kinh, và do đó việc cải thiện quan hệ song phương Trung-Nhật là điều tất yếu.

Thứ hai và quan trọng hơn, các chính sách và hành vi của D. Trump đến nay cho thấy một tương lai bất trắc về vai trò cũng như các cam kết an ninh và kinh tế của Mỹ ở khu vực châu Á.

Do đó, Tokyo đã bắt đầu tính đến khả năng điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng “không ràng buộc” trong bối cảnh thiếu vắng sự ưu việt của Mỹ trong khu vực. 

Và rõ ràng, việc Nhật Bản điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc theo hướng ổn định hơn sẽ trở nên quan trọng. Đây có thể sẽ là một sự thay đổi chiến lược quan trọng nhất trong khu vực kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. 

Nhưng quan hệ Trung-Nhật cũng có những thách thức đang chờ đợi ở phía trước. Thứ nhất, đề nghị hợp tác BRI của ông Abe vẫn chỉ là dự kiến và chưa chính thức.

Sự tham gia của Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào việc liệu cơ sở hạ tầng được tài trợ thông qua BRI có mở cho tất cả các nước sử dụng hay không, việc mua sắm có thông qua các quy trình minh bạch và công bằng hay không, các dự án có khả thi về mặt kinh tế hay không.

Và quan trọng nhất có lẽ là tầm nhìn kinh tế mà Tokyo và Bắc Kinh theo đuổi có tương thích với nhau hay không.

Thứ hai, trong khi hợp tác kinh tế Trung-Nhật là một điểm khởi đầu quan trọng, thì một loạt vấn đề an ninh căng thẳng song phương và khu vực sẽ tiếp tục là trở ngại lớn cho quan hệ hai nước. Thế trận an ninh dựa vào sự ưu việt của Mỹ ở châu Á và kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Nhật Bản khiến Trung Quốc tỏ ra khó chịu. 

Hai nước hiện đối mặt với những tranh chấp lãnh hải chưa thể giải quyết ở Biển Hoa Đông, và Nhật Bản vẫn hết sức lo ngại về hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, bản chất thỏa thuận Mỹ-Trung về Triều Tiên sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với Nhật Bản. 

Nếu thất bại sẽ làm tăng khả năng xảy ra xung đột quân sự và khi đó quan hệ Trung-Nhật sẽ trở nên cực kỳ phức tạp. Còn nếu thành công thì những lo ngại của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ được đẩy lùi.

Thứ ba, sự hợp tác giữa chính phủ với doanh nghiệp hoặc giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thông qua BRI khó có khả năng xua tan những tình cảm chống Nhật và chống Trung Quốc trong xã hội của hai nước. Việc hóa giải kỳ thị này đòi hỏi “một quá trình liên kết chiến lược và thỏa hiệp lâu dài”.

Mặc dù còn có những thách thức đáng kể, nhưng việc Thủ tướng Abe quyết định mở đường can dự vào sáng kiến BRI sẽ là một bước ngoặt trong mối quan hệ Trung-Nhật. Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự bất trắc về vai trò của Mỹ ở châu Á đang thúc đẩy việc xem xét lại những chiến lược trong khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục