ĐBSCL chung sức chống hạn, mặn

15:34' - 26/03/2016
BNEWS Việc lấy nước ngọt khi nước ròng tại Đồng bằng sông Cửu Long đang là biện pháp khả thi nhất, trong tình hình nước thượng nguồn về ít, các biện pháp giữ nước ngọt lại chưa hiệu quả.
Mỗi ngày 2 lần, cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang kiểm tra nồng độ mặn trên sông Cái Lớn, đoạn qua huyện Vị Thủy. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Thành phố Cần Thơ là địa phương chưa bao giờ bị mặn xâm nhập nhưng từ đầu tháng 3/2016, trên sông Hậu, tại điểm Cảng Cái Cui, nồng độ mặn mà cơ quan chuyên môn đo được luôn trên mức 2.000 mg/l.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, công tác ứng phó với mặn xâm nhập đang được thành phố khẩn trương thực hiện. Trong sản xuất nông nghiệp, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu nhiều diện tích lúa sang trồng hoa màu cạn ít sử dụng nước tưới.

Thành phố cũng triển khai nạo vét các kênh, mương nội đồng để trữ nước ngọt; chuẩn bị các phương án với các nhà máy xử lý nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố, khi mặn xâm nhập tới.

Những ngày cuối tháng Ba, chúng tôi về xã Tân Hùng, huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) thì thấy hàng loạt cánh đồng lúa chết khô vì thiếu nước ngọt. Nhưng tại cánh đồng lúa thuộc ấp Trung Tiến, nhiều ruộng lúa đang bắt đầu chín vàng ươm, dù năng suất lúa chỉ còn được phân nửa.

Trưởng ban nhân dân ấp Trung Tiến Trương Văn Giảng cho biết: Từ trước Tết Nguyên đán, con kênh Cần Trong cung cấp nước chính cho cánh đồng hơn 30 ha của ấp bị cạn nước nghiêm trọng. Do mực nước con kênh Út Thoàng cạn nhanh, nước không thể chảy vào kênh Cần Trong.

Trước nguy cơ mấy chục ha ruộng lúa thiếu nước sẽ bị thiệt hại, ấp liền họp các hộ dân có ruộng trong cánh đồng này và đi đến thống nhất đắp đập bịt hai đầu con kênh Cần Trong, đồng thời mua một máy bơm để bơm chuyền nước từ kênh Út Thoàng lên.

Tổng số tiền đóng góp của các hộ dân được 12 triệu đồng, trong đó mua máy bơm hết 7 triệu đồng, còn 5 triệu đồng mua dầu chạy máy bơm và trả công người trực máy. Nhờ đó, con kênh Cần Trong có nước và nhiều diện tích lúa được cứu phần nào, không bị thiệt hại hoàn toàn do hạn hán như những nơi khác.

Những cánh đồng lúa chết khô do hạn mặn. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

“Sống chung” với mặn

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ - Trường Đại học Cần Thơ, đối với Đồng bằng sông Cửu Long, đối với cây trồng cần phải tìm cách “sống chung” với mặn. Vì mặn ảnh hưởng đến cây trồng với ba tác hại chính là làm cây trồng bị chết khát, chết đói và ngộ độc.

Cây trồng bị chết khát vì cây không lấy được nước ngọt do mặn nên chúng ta cần tìm nguồn nước ngọt hay mặn ít cũng như tăng khả năng hút nước của cây. Nhưng tìm nước ngọt ở đâu khi tình hình xâm nhập mặn ngày một nghiêm trọng?

Ngoài việc tranh thủ nguồn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về, nguồn nước ngọt được giữ lại trước khi nó đổ ra biển, ở Đồng bằng sông Cửu Long còn có thể lấy nước ngọt khi con nước ròng với hệ thống nhật triều và bán nhật triều hàng ngày tại đây.

Việc lấy nước ngọt khi nước ròng tại Đồng bằng sông Cửu Long đang là biện pháp khả thi nhất, trong tình hình nước thượng nguồn về ít, các biện pháp giữ nước ngọt lại chưa hiệu quả. Tuy nhiên, việc lấy nước ngọt khi nước ròng tại Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn. Đó là việc đo nồng độ mặn trước khi bơm nước.

Hầu hết nông dân làm lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa có dụng cụ đo nồng độ mặn nên không biết lúc nào nước ngọt, lúc nào nước mặn để bơm lấy nước. Một số hộ dùng dụng cụ đo nồng độ mặn trong nuôi thủy sản để đo sẽ không chính xác, vì vạch đo nồng độ mặn của dụng cụ đo dành cho nuôi thủy sản không phù hợp cây trồng.

Đặc biệt, mùa vụ lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long thường tới giữa vụ mùa thì mới gặp hạn, mặn. Từ giữa mùa vụ lúa trở đi, cây bị khô hạn vẫn có thể sống được và sinh trưởng bình thường, nếu có các biện pháp chống sự bốc hơi trong lòng đất.

Đối với cây ăn trái việc chống bốc hơi có thể thực hiện bằng làm màng phủ nông nghiệp, đắp ủ gốc. Nhưng đối với cây lúa chỉ có việc chấp nhận bơm nước nhiễm mặn ở nồng độ nhất định để chống bốc hơi mặt ruộng. Tuy nhiên, nhiều người dân đưa nước mặn vào chống bốc hơi sai cách, đó là bơm nước mặn vào cả khi đất ruộng đã bị nứt nẻ.

Khi đó, nước mặn không chống bốc hơi mà lan xuống bộ rễ làm cây lúa bị chết nhanh chóng. Do vậy, muốn bơm nước mặn vào đồng ruộng giữ ẩm, chống bốc hơi nước trong ruộng nhất định phải bơm khi ruộng chưa bị nứt nẻ. Rồi chờ đến khi có nước ngọt thì bơm nước ngọt vào xả nguồn nước mặn này ra để đất không bị “mặn hóa”.

Lai tạo giống lúa chịu hạn, mặn chất lượng cao trong phòng thí nghiệm. Ảnh:Tràng Dương/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Công Thành, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Trường Đại học Cần Thơ chỉ cần nâng được độ chịu mặn của cây lúa ở giai đoạn trổ và giai đoạn chín lên là cây lúa “sống chung” với mặn được. Đặc biệt, cây lúa ở giai đoạn trổ phải được quan tâm chặt chẽ độ mặn, vì nếu mặn xâm nhập giai đoạn trổ là cây lúa chịu không nổi, sẽ bị thiệt hại.

Một cách khác để Đồng bằng sông Cửu Long “sống chung” với mặn, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Minh, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long phải xác định được các vùng thích nghi trong điều kiện hiện tại và dưới tác động của sự thay đổi xâm nhập mặn.

Đặc biệt, những vùng có khả năng bị ảnh hưởng giữa mặn và ngọt phải được quan tâm, quản lý chặt chẽ việc sử dụng nước cũng như xây dựng các phương án định hướng sử dụng đất nông nghiệp cho kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2020, 2030 và năm 2050.

Cùng với đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần có giải pháp hỗ trợ công trình như xây dựng hệ thống cống, đập, đê bao, nạo vét kênh thủy lợi và giải pháp phi công trình như thay đổi lịch mùa vụ, tập huấn khoa học kỹ thuật, cải tiến giống cây trồng, vật nuôi cho từng vùng thích nghi.

Khu vực này cũng cần kết hợp kịch bản biến đổi khí hậu với điều kiện thay đổi về thổ nhưỡng, kinh tế, nhu cầu thị trường, với những chính sách kinh tế để làm cơ sở định hướng quy hoạch bền vững, trong đó có thích ứng xâm nhập mặn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục