Điều cần biết về đồng tiền điện tử của chính phủ đầu tiên trên thế giới

06:30' - 29/01/2018
BNEWS Tổng thống Nicolas Maduro mới đây bất ngờ thông báo sẽ phát hành đồng petro điện tử vào đầu tháng 2 tới. Nếu ra đời thì đây sẽ là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới do một chính phủ phát hành.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: THX/TTXVN

Sau đây là 5 vấn đề mấu chốt của đồng petro mà Chính phủ Venezuela dự kiến phát hành nhằm thu hút nguồn tiền trong bối cảnh nền kinh tế nước Nam Mỹ đang thiếu hụt trầm trọng ngoại tệ.

Petro là gì? 

Đây là đồng tiền điện tử được định giá dựa trên cơ sở nguồn dự trữ dầu khí dồi dào, nguồn vàng và kim cương của Venezuela. 

Quyết định phát hành đồng petro của Chính phủ Venezuela được đưa ra trong bối cảnh từ tháng 8 năm ngoái tới nay, Chính phủ Mỹ liên tiếp đưa ra những biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nhằm chống lại Venezuela, cản trở nước này tiến hành tái cơ cấu nợ với các nhà đầu tư. 

Petro sẽ được vận hành nhờ vào việc sử dụng công nghệ blockchain, tương tự như những đồng tiền điện tử khác như bitcoin. 

Sự khác biệt giữa petro và các đồng tiền điện tử khác đó là việc chính phủ Venezuela sẽ kiểm soát hoạt động của đồng tiền này, với giá trị ban đầu tương đương với giá một thùng dầu được giao bán hiện nay trên thị trường, ở mức khoảng 57 USD. 

Hiện Chính phủ Venezuela đang triển khai việc thành lập một chuỗi khối blockchain, với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ, kinh tế, tài chính, tiền tệ và pháp lý để xây dựng cơ sở và nền tảng vững chắc cho các hoạt động của đồng petro.

Bối cảnh kinh tế mà Petro được phát hành 

Nền kinh tế Venezuela đã trải qua 4 năm suy thoái liên tiếp, với mức lạm phát phi mã, thiếu hụt thực phẩm thuốc men, khan hiến tiền mặt. Ngoài ra, Venezuela cũng cần thu hút vốn trong bối cảnh thiếu ngoại tệ trầm trọng bởi giá dầu thế giới lao dốc khiến nguồn thu của quốc gia sản xuất dầu mỏ này trở nên vô cùng hạn hẹp. 

Đồng tiền mất giá và lạm phát khiến đồng nội tệ hiện giao dịch ở mức 200.000 bolivar đổi 1 USD ở trên đường phố, trong khi tỷ giá chính thức của nhà nước chỉ ở mức 10 và 3.370 bolivar/USD.

Trong bối cảnh túng thiếu tiền mặt, chính phủ Venezuela đã cho phép giảm thuế giá trị gia tăng từ 12% đến 10% để khuyến khích người dân mua bán và chi trả thông qua mạng internet.

Theo Tổng thống Maduro, với quyết định cho ra đời đồng tiền trên, Venezuela đang nỗ lực giải quyết việc tự chủ tài chính, tiền tệ trên thị trường quốc tế và đối phó với các chính sách thù địch của Nhà Trắng cũng như các thế lực cánh hữu thù địch tiến hành nhằm chống phá nước này.

Căn cứ định giá petro 

Chính phủ Venezuela định giá Petro dựa trên việc “thế chấp” một trong những mỏ dầu với trữ lượng 5 triệu thùng nằm trên Dải Orinoco, ở miền Đông đất nước, cũng như các mỏ vàng và kim cương khác. 

Ngoài ra, một hệ thống blockchain cũng sẽ là nền tảng để Petro vận hành hợp pháp. Đại diện Chính phủ Venezuela phụ trách việc thành lập blockchain, ông Carlos Vargas khẳng định hệ thống công nghệ này hoàn toàn minh bạch và sẽ là sự đảm bảo chắc chắn, đáng tin cậy để lưu hành đồng petro.

Cơ chế mua bán và trao đổi petro 

Quy định nêu rõ để mua petro các nhà đầu tư cần đăng ký vào một danh sách và những người có tên trong danh sách này sẽ tham gia đấu thầu để sở hữu đồng tiền điện tử. Đồng Petro có thể được đổi bằng đồng nội tệ boiívar hay bất cứ đồng điện tử nào khác.  

Tới thời điểm hiện tại chưa có gì rõ ràng về việc mua bán và trao đổi petro, tuy nhiên Chính phủ Venezuela khẳng định sẽ đảm bảo minh bạch trong hoạt động này. Với việc phát hành  petro, Venezuela dự kiến sẽ thu về 280 tỷ USD.

 Hiện đã có khoảng 52.000 người đăng ký mua petro thông qua Cơ quan thống kê điện tử khoáng sản quốc gia. Tổng thống Maduro tuyên bố sẽ phát hành 100 triệu đồng petro.

Nền tảng pháp lý của petro

Các nghị sĩ Quốc hội, do phe đối lập chiếm đa số, cảnh báo rằng đồng petro không phải là một đồng tiền điện tử mà thực tế là một cơ chế đi vay tín dụng sẽ đẩy đất nước nhấn sâu vào cảnh nợ nần.  

Phe đối lập lập luận việc sử dụng nguồn dự trữ dầu khí quốc gia để “thế chấp” phục vụ việc phát hành petro là bất hợp pháp bởi luật pháp quy định nguồn tài nguyên này của quốc gia không thể đem ra thương lượng.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng cảnh báo các nhà đầu tư nước này thận trọng với đồng tiền điện tử petro và cho rằng việc sử dụng đồng tiền này có thể sẽ vi phạm lệnh cấm vận của Nhà Trắng chống lại Chính phủ của Tổng thống Maduro./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục