Doanh nghiệp cũng phải học cách huy động vốn

17:44' - 18/09/2015
BNEWS Theo TS. Võ Trí Thành, doanh nghiệp cũng phải học cách huy động vốn, trước hết là tạo khả năng tiếp cận vốn đang chu chuyển rộng khắp trên phạm vi toàn cầu.

Tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 18/9, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Doanh nghiệp cũng phải học cách huy động vốn, trước hết là tạo khả năng tiếp cận vốn đang chu chuyển rộng khắp trên phạm vi toàn cầu.

Doanh nghiệp cần tạo khả năng tiếp cận vốn. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Theo TS. Võ Trí Thành, các hình thức huy động vốn hiện nay đã trở nên đa dạng hơn trước, không chỉ là vay tín dụng, phát hành trái phiếu và cổ phiếu mà còn là sự giao thoa giữa các hình thức này. Đồng thời, các định chế tài chính ngày càng có xu hướng xem việc có hay không khía cạnh "xanh" trong dự án sản xuất, kinh doanh... như yêu cầu bắt buộc để cung ứng vốn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến vấn đề tương quan giữa tài sản có và dòng tiền sản xuất, kinh doanh; đặc biệt nhiều tài sản có khả năng thế chấp vay vốn cao, song vay vốn theo dòng tiền ngày càng được lưu ý.

Nhận định về xu hướng phát triển bền vững cho ngân hàng và doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, các chuyên gia cho rằng hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới hướng đến sự tăng trưởng kinh tế bền vững, không chỉ chú trọng đến tăng trưởng thu nhập bình quân trên đầu người mà còn quan tâm đến hai yếu tố quan trọng khác là xã hội và môi trường.

TS. Lê Thị Hiệp Thương, nguyên Trưởng khoa Tín dụng, Trường đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, một vấn đề đặc biệt tác động mạnh đến hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế tài chính là tín dụng xanh.

Do đó, hầu hết các ngân hàng ở các nước phát triển đang rất quan tâm và triển khai thực hiện những chính sách cũng như công cụ quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động ngân hàng. Nguồn vốn tín dụng xanh từ các ngân hàng xanh đặt mục tiêu cân nhắc đến các yếu tố xã hội và môi trường nhiều hơn các ngân hàng khác, khi xét duyệt cho doanh nghiệp hoặc những dự án sản xuất, kinh doanh vay vốn.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tại hội thảo, doanh nghiệp Việt Nam hiện mới chỉ thay đổi về lượng, chứ chưa thay đổi về chất. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được hỗ trợ để bồi dưỡng, đào tạo về công tác quản trị kinh doanh; đổi mới trang thiết bị sản xuất, kinh doanh... để cải thiện năng lực và sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ một số nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Hàn Quốc, EU... cho thấy, Chính phủ Việt Nam cần tăng đầu tư và chi tiêu cho các lĩnh vực thúc đẩy phát triển xanh; khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào những lĩnh vực tài chính, đầu tư, sản xuất, kinh doanh xanh./.

Mỹ Phương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục