Doanh nghiệp Mỹ đương đầu với vấn đề thiếu hụt lao động lành nghề

16:40' - 31/05/2018
BNEWS Tình trạng thiếu hụt lao động đang là một bài toán khác đối với nhiều doanh nghiệp Mỹ.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 30/5 nhận định “hoạt động kinh tế đã mở rộng vừa phải trong thời gian cuối tháng Tư, đầu tháng 5/2018”, và các doanh nghiệp “nhìn chung lạc quan” về tăng trưởng trong tương lai gần. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động đang là một bài toán khác đối với nhiều doanh nghiệp Mỹ.

Theo Fed, tình trạng thiếu hụt lao động tại Mỹ đang lan rộng và việc tăng lương hiện đã bắt đầu ở mức vừa phải và đang tác động lên giá cả.

Khảo sát "Sách Be" về nền kinh tế Mỹ nhận định “nhiều doanh nghiệp đã xử lý tình trạng thiếu hụt nhân tài bằng cách tăng lương cũng như các chế độ đãi ngộ”.

Fed - để mắt tới thị trường lao động và tình hình lương một cách sát sao bởi những yếu tố này chi phối lạm phát - dự kiến vào giữa tháng 6/2018 sẽ nâng lãi suất chủ chốt lần thứ hai trong năm nay, và có thể sẽ tiến hành 1-2 lần tăng lãi suất nữa trong nỗ lực hướng nền kinh tế bước trên con đường tăng trưởng mà không làm lạm phát tăng.

Trong khi đó, Fed và bốn cơ quan điều hành tài chính khác của Mỹ ngày 30/5 đã công bố đề xuất nhằm nới lỏng quy tắc Volcker được ban hành sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 về cấm các thực thể ngân hàng tham gia vào các vụ giao dịch tài sản.

Theo đề xuất mới, định nghĩa "hoạt động giao dịch" trong quy tắc Volcker sẽ được điều chỉnh để cho phép các ngân hàng tiến hành thêm các hoạt động giao dịch. Những thay đổi khác trong đề xuất này sẽ hỗ trợ các ngân hàng nhỏ trong các giao dịch, cũng như hoạt động giao dịch ở nước ngoài của các ngân hàng không phải của Mỹ.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn tại Mỹ sẽ được tự do hơn trong việc thực hiện các vụ giao dịch ngắn hạn.

Các quan chức Mỹ cho biết đề xuất mới cũng sẽ áp đặt sự giám sát chặt chẽ nhất đối với 18 ngân hàng lớn có tài sản giao dịch hơn 10 tỷ USD và khả năng thanh toán chiếm 95% trong toàn bộ các vụ giao dịch. Khoảng một nửa trong số các ngân hàng này không phải của Mỹ.

Các đề xuất sửa đổi này do Fed, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), Công ty bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), Văn phòng kiểm soát tiền tệ (OCC) và Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đưa ra và sẽ được lấy ý kiến công chúng trong 60 ngày.

Quy tắc Volcker do cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker đề xuất. Đây là một phần trọng tâm trong đạo luật Dodd-Frank được Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama ký vào năm 2010 nhằm thắt chặt giám sát đối với ngân hàng và công ty tài chính và bảo vệ người tiêu dùng.

Quy tắc này cấm các ngân hàng lớn của Mỹ thực hiện hoạt động tự doanh - một hoạt động từng mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Phố Wall trước khi cuộc khủng hoảng tín dụng xảy ra.

Hồi năm ngoái, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ xóa bỏ di sản này của cựu Tổng thống Obama nhằm tạo điều kiện cho ngành ngân hàng để những ai cần đều có thể vay tiền.

Hôm 24/5 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký thành luật dự luật nới lỏng các quy định đối với hầu hết các ngân hàng theo Đạo luật Dodd-Frank năm 2010. Luật nói trên sẽ "giải thoát" hàng nghìn thể chế tài chính khỏi nhiều quy định ngặt nghèo của Đạo luật Dodd-Frank, đồng thời thúc đẩy hoạt động cho vay và tăng trưởng kinh tế mà không gây ra những rủi ro cho hệ thống tài chính.

>>>Trung Quốc cảnh báo đáp trả cứng rắn các chế tài thương mại của Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục