Doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa biết tới Hiệp hội chủ hàng Việt Nam

19:54' - 14/01/2016
BNEWS Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa biết đến sự hiện diện của Hiệp hội chủ hàng, do đó năng lực cạnh tranh còn thấp.
Hội nghị "Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua liên kết doanh nghiệp xuất nhập khẩu và Hiệp hội chủ hàng Việt Nam". Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Đây là nhận định của các cơ quan quản lý Nhà nước tại Hội nghị “Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua liên kết doanh nghiệp xuất nhập khẩu và Hiệp hội chủ hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 14/1.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp hội Chủ hàng sẽ là điểm tựa của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam khi phải đấu tranh về giá cước với các hãng vận tải lớn quốc tế.

Đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc các lĩnh vực liên quan đến việc gửi, nhận hàng hóa; thay mặt họ giải quyết những bất hợp lý về giá cước. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp biết đến.

Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong khâu vận tải hàng hóa. Cụ thể, cước phí các hãng tàu quốc tế tăng cao; quy định về chở đúng tải trọng khiến doanh nghiệp phải thuê thêm tàu, tăng cước phí.

Bên cạnh đó, ùn tắc tại các cảng biển cũng khiến chi phí của doanh nghiệp bị độn lên cao. “Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao sức cạnh tranh bằng cách tập hợp lực lượng, thông qua Hiệp hội chủ hàngđể có tiếng nói với Chính phủ, với các chủ tàu để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp”, ông Hải nói.

Ông Vũ Giao Long – Chủ tịch Tập đoàn Hưng Phát cho rằng sẽ phải làm việc chặt chẽ hơn để phối hợp với Chính phủ, đặc biệt ở đây là Bộ Công Thương, Cục Xuất Nhập khẩu đề xuất những chính sách nhằm quản lý chặt chẽ sự vận hành của các hãng tàu tại Việt Nam.

Bởi, chính điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị và tính cạnh tranh của các chủ hàng nằm trong Hiệp hội chủ hàng và không điều tiết được cước. Không những thế, các doanh nghiệp này lại đang chiếm tới hơn 80% cái giá trị và khối lượng doanh thu vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam.

Bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam chia sẻ: Các doanh nghiệp làm sản xuất, xuất nhập khẩu đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ chỉ đang tập trung vào vấn đề làm sao có được chất lượng, làm sao có được thị trường, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, giảm giá thành.. và để có lợi nhuận, đảm bảo công văn việc làm cho người lao động.

Chính vì vậy, doanh nghiệp chưa quan tâm đến những vấn đề có tính chất nghiệp vụ liên quan đến xuất nhập khẩu, đó là khâu vận tải. Vì thế, cần phải có những cầu nối để kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với Hiệp hội chủ hàng Việt Nam. Trong đó, Bộ Công Thương là đơn vị có vai trò lớn nhất.

Bà Đặng Phương Dung nhấn mạnh, cần tăng cường vai trò hoạt động của Bộ Công Thương, đồng thời bản thân một Hiệp hội phải đại diện cho các hội viên, đại diện cho họ là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ, tham vấn những vấn đề có tính chính sách, những vấn đề tạo ra điều kiện về môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động một cách thuận lợi.

Khi đã có Hiệp hội làm đại diện, các chủ hàng Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh hơn trong trường hợp bị các chủ tàu nước ngoài xử ép. Vì vậy, các chủ hàng phải đoàn kết, hỗ trợ, tin tưởng nhau nhằm đạt được mục đích chung là sẽ chấm dứt được tình trạng đơn độc khi bị xử ép, vốn là tình cảnh chung của các chủ hàng Việt Nam xưa nay, bà Đặng Phương Dung khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục