Thiếu chủ động "trói chân" doanh nghiệp tư nhân

15:00' - 14/01/2016
BNEWS Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, khối doanh nghiệp tư nhân trong nước quá yếu với 96% là quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn.
Khu vực FDI đã chiếm tới 70% xuất khẩu và đóng góp tới 20% GDP. Ảnh: TTXVN

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong 4 động lực của tăng trưởng là hộ gia đình và nông nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thì chỉ có khu vực FDI là hoạt động tốt.

Nhất là khi Việt Nam ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các quốc gia, các tổ chức và liên minh kinh tế… khiến cho tình hình đầu tư và các dòng vốn ngoại sôi sục “đổ về”.

Báo cáo từ Tổng cục thống kê cho thấy, khu vực FDI đã chiếm tới 70% xuất khẩu và đóng góp tới 20% GDP.

Trong khi đó, những khu vực kinh tế còn lại, đặc biệt là kinh tế tư nhân dường như chưa quan tâm nhiều tới việc hình thành liên kết, chưa tập hợp thành các chuỗi ngành hàng để tổng hợp tạo nên sức mạnh cạnh tranh.

Từ câu chuyện các doanh nghiệp Việt Nam không sản xuất nổi một con vít như đơn đặt hàng của tập đoàn Samsung, cho đến con đường phát triển mờ mịt của thương hiệu Vinaxuki - một trong những doanh nghiệp ô tô đầu tiên ở Việt Nam… cho thấy, tương lai không mấy sáng sủa của khu vực kinh tế tư nhân và phản ánh phần nào bức tranh chung của toàn nền kinh tế.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Khi các doanh nghiệp FDI đã tận dụng tốt cơ hội phát triển từ những chính sách của Nhà nước thì khối doanh nghiệp tư nhân trong nước lại quá yếu với 96% là quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn.

Ngay ở thị trường nội địa, doanh nghiệp tư nhân trong nước không đủ mạnh để trở thành đối tác của các doanh nghiệp FDI. Và các doanh nghiệp FDI đang tồn tại như những “ốc đảo” ở Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN.

Cùng quan điểm này, chuyên gia Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng không chỉ ngành công nghiệp phụ trợ, ngành công nghiệp ô tô, kể cả ngành công nghiệp da giày và dệt may, những tưởng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội phát triển khi hội nhập thì cũng không tránh khỏi thách thức do thiếu hụt nguyên liệu vì phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ từ sợi.

Nhưng đáng lo ngại nhất là ngành sản xuất nông nghiệp, bởi Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đủ tiềm lực, trình độ công nghệ, cũng như thiếu các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Nghiên cứu của VCCI cho thấy, hơn 20 năm xuất khẩu gạo nhưng Việt Nam vẫn không có thương hiệu và không chiếm lĩnh được phân khúc cao của thị trường. Giá xuất khẩu và chất lượng gạo luôn ở phân khúc giá rẻ. Việt Nam có nhà buôn gạo mà chưa có doanh nghiệp sản xuất gạo.

Trước đây, cá tra và tôm được bán vào thị trường châu Âu và Mỹ, nơi được xem là những thị trường khó tính, thì nay cá tra và tôm đang giảm uy tín trên hai thị trường này do bị truyền thông nước ngoài "bôi nhọ" và tình trạng một số doanh canh tranh không lành mạnh bằng cách giảm chất lượng. Singapore là nước có quan hệ tốt với Việt Nam và không có thuế nhập khẩu, nhưng hoa quả Việt Nam chưa bao giờ vào được thị trường này.

Với Hong Kong (Trung Quốc) cũng vậy. Trong khi, hoa quả Việt Nam không vượt qua được hàng rào kỹ thuật ở những quốc gia kể trên, thì cũng không thể cạnh tranh nổi về chất lượng và giá thành so với các mặt hàng nông sản Thái Lan, Campuchia…

Rõ ràng, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trở nên vô cùng khẩn thiết hiện nay.

Để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân nâng chất và vươn lên trong hội nhập, theo gợi ý của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc , Nhà nước cần tạo chính sách phát triển tốt nhất, với một tư duy duy nhất là cho mọi doanh nghiệp Việt Nam không phân biệt doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp tư nhân cũng cần phải tự nâng cấp và tự nâng cao năng lực cạnh tranh để đủ điều kiện trở thành nhà cung cấp nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng…để không chỉ trở thành đối tác của các doanh nghiệp FDI, mà còn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hơn hết là cần phát huy tính chủ động trong mọi tình huống, chủ động đổi mới công nghệ và thiết bị máy móc, chủ động nâng cao trình độ sản xuất, năng lực quản lý và điều hành, chủ động tìm kiếm thị trường và phát kiến thêm những sản phẩm, dịch vụ mới đa dạng, phong phú và đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng mà khách hàng và thị trường sẽ ngày càng đòi hỏi khắt khe và chuẩn mực hơn, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Bởi xét ở góc độ nào đó, tính chủ động là điều còn rất thiếu ở không chỉ khu vực kinh tế tư nhân, mà ở mọi thành phần kinh tế trong nước hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục