Đồng Nai đóng cửa Khu công nghiệp Biên Hòa I vào cuối năm 2022

18:26' - 15/05/2018
BNEWS Ngày 15/5, Tỉnh ủy Đồng Nai làm việc với các ngành trong tỉnh về tình hình triển khai Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I (di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I).

Đây là vấn đề đã được Đồng Nai bàn bạc từ nhiều năm qua, song vì không đưa ra được thời gian cụ thể đóng cửa khu công nghiệp nên việc di dời vẫn dậm chân tại chỗ.
Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, hơn 10 năm trước, Đồng Nai có đề án di dời khu công nghiệp Biên Hòa I. Đề án này mang lại lợi ích to lớn, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và chỉnh trang, phát triển thành phố Biên Hòa song tỉnh thực hiện đề án quá chậm.

Hiện nay, di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I là vấn đề cấp bách, không thể trì hoãn thêm. Bởi hơn 1 triệu người dân thành phố Biên Hòa và hàng triệu dân các tỉnh Đồng Nam bộ phụ thuộc vào nước sông Đồng Nai, nhưng do các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa I xả thải ra sông, khiến nguồn nước bị ô nhiễm.
Ông Cường khẳng định: “Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, cuối năm 2022 Đồng Nai sẽ đóng cửa Khu công nghiệp Biên Hòa I, trước ngày 31/12/2022, tất cả doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động tại đây”.
Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I chậm trễ là do ngành chức năng của Đồng Nai mãi loay hoay, không đưa ra được thời điểm cụ thể đóng cửa khu công nghiệp này. Từ đó thiếu cơ sở pháp lý, doanh nghiệp không chịu di dời, tỉnh vẫn không xử lý được. Để doanh nghiệp có sự chuẩn bị, sau buổi làm việc này, Đồng Nai sẽ thông báo cho các doanh nghiệp thời hạn cuối cùng mà họ phải chuyển đi.
Nhằm đẩy nhanh di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I, Đồng Nai sẽ chấm dứt cho thuê và thu hồi đất của những doanh nghiệp đã hết hạn thuê đất. Với doanh nghiệp còn thời hạn thuê đất, tỉnh đưa vào danh sách thực hiện bồi thường để họ sớm chuyển đi.
Khu công nghiệp Biên Hòa I ra đời năm 1963, tổng diện tích 323 ha. Mỗi ngày, các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả hơn 9.000 m3 nước thải, trong đó chỉ có khoảng 1.000 m3 được đấu nối qua Khu công nghiệp Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Năm 2009, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng khu công nghiệp này.

Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai giao Tổng Công ty phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) thực hiện. Đề án chậm triển khai là do một số doanh nghiệp không đồng tình, vướng mắc về chính sách hỗ trợ di dời và phương án sử dụng đất sau di dời.
Tại Khu công nghiệp Biên Hòa I hiện có khoảng 80 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 40 doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất đến năm 2051.
Theo Tổng Công ty Sonadezi, tổng mức đầu tư đề án di dời và chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I là hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 2.400 tỷ đồng; bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 7.500 tỷ đồng; gần 1.300 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Đề án được chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2018 – 2020./.

>>>Đồng Nai cảnh báo người dân không chặt bỏ vườn tiêu bán rễ cho thương lái

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục