Dự thảo ngân sách 2018 của Tổng thống Trump có đe dọa "Hành tinh xanh"? (Phần 1)

09:53' - 09/04/2017
BNEWS Trong dự thảo ngân sách đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất cắt giảm nguồn tài chính liên quan tới các chương trình chống biến đổi khí hậu của LHQ.
Dự thảo ngân sách 2018 của Tổng thống Trump có đe dọa "Hành tinh xanh"?. Ảnh minh họa: TTXVN

Đề xuất này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ ngừng tham gia Quỹ Khí hậu xanh (GCF) của Liên hợp quốc (LHQ), một bước tiến đang khiến các nhà hoạt động bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu quan ngại. 

GCF là phần quan trọng của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, được gần 200 quốc gia ký kết hồi năm 2015 với mục đích giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngay trong quá trình tranh cử, Tổng thống Trump từng cảnh báo nhiều lần về việc rút khỏi hiệp định này. 

Xóa bỏ "dấu vết" người tiền nhiệm

Dự thảo ngân sách quốc gia cho tài khóa 2018 của Tổng thống Mỹ Donald Trump có tổng chi tiêu lên tới 3.800 tỷ USD, trong đó đề xuất cắt giảm chi tiêu cho các chương trình khoa học, y tế và môi trường trong nước và nước ngoài, đã hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của giới chuyên gia khi cho rằng kế hoạch trên sẽ đe dọa đến "Hành tinh xanh". 

Ngoài cắt giảm ngân sách hỗ trợ LHQ, trong dự toán ngân sách quốc gia đầu tiên, ông Trump cũng đề xuất cắt giảm 31% chi tiêu cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), tương đương 2,6 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc EPA sẽ phải xem xét cắt giảm 3.200 nhân viên, chiếm 1/5 tổng nhân viên của cơ quan này.

Việc chính quyền Tổng thống Trump đề xuất cắt giảm ngân sách cho các chương trình về môi trường đã khiến các nhà hoạt động bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu càng thêm quan ngại khi trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ thông báo đình chỉ tạm thời các quy định về tiêu chuẩn khí thải xe hơi được ban hành dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.

Phát biểu trong chuyến thăm thành phố Detroit tại bang Michigan, thủ phủ của ngành công nghiệp chế tạo ôtô Mỹ, Tổng thống Trump khẳng định các tiêu chuẩn môi trường khắt khe đang làm tổn hại tới hoạt động thương mại và tuyên bố chính phủ sẽ tạm ngừng để đánh giá lại các mục tiêu khí thải xe cộ giai đoạn 2022-2025.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng kêu gọi sự giúp đỡ của các doanh nghiệp trong vấn đề tạo thêm việc làm cho người dân Mỹ.

Theo Nhà Trắng, các điều khoản hạn chế khí thải, mức tiêu hao nhiên liệu của xe ôtô do Chính quyền Obama ban hành đã không cân nhắc tới thực tế thị trường hay kỳ vọng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, các quan chức chính phủ cũng thừa nhận rằng họ chưa đánh giá cụ thể tác động của động thái này đối với ngành xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu lớn của Mỹ như Nhật Bản và châu Âu đều có tiêu chuẩn khí thải riêng và đều cao hơn mức liên bang của Mỹ.

Trong khi đó, nhằm thúc đẩy một giải pháp bền vững cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, 17 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã ký một văn bản cam kết tìm kiếm các phương thức giúp giảm nhiệt độ toàn cầu mà "không gây tổn hại tới hoạt động kinh tế".

Văn bản được công bố tại Hạ viện này gồm nội dung cam kết "nghiên cứu và giải quyết tận gốc nguyên nhân cũng như tác động của biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu và khu vực" đồng thời tìm kiếm giải pháp để trung hòa những tác động của con người.

Tham gia ký kết vào văn bản không mang tính ràng buộc này là đại diện của các bang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Người phát ngôn của Nhà Trắng từ chối bình luận về động thái mới này.

Trong khi đó, nhóm Vận động Khí hậu dân sự, một nhóm hoạt động phi đảng phái, hoan nghênh văn bản này là "một bước tiến quan trọng hướng tới đạt được các giải pháp lưỡng đảng"./.

>>>Dự thảo ngân sách 2018 của Tổng thống Trump có đe dọa "Hành tinh xanh"? (Phần 2)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục