Dự thảo ngân sách Mỹ chặn phán quyết trừng phạt thương mại của WTO

15:54' - 17/12/2015
BNEWS Giới lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã có hành động để "chặn trước" những tác động mà ngành sản xuất nội địa có thể phải gánh chịu trước phán quyết của WTO.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mới đây đã ra phán quyết mở đường cho Canada và Mexico áp đặt các biện pháp trả đũa thương mại nhằm vào Quy định Dán nhãn xuất xứ hàng hóa (COOL) của Mỹ.

Theo Thượng nghị sỹ Barbara Mikulski, Phó Chủ tịch Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện, dự luật ngân sách liên bang trị giá hơn 1.100 tỷ USD mà Quốc hội đạt được trước đó một ngày và dự kiến bỏ phiếu vào cuối tuần sẽ loại bỏ những phần của COOL mà WTO xác định là "không công bằng" và vi phạm quy định thương mại của cơ quan này.

Quốc hội Mỹ thông qua dự thảo ngân sách nhằm ngăn chặn phán quyết trừng phạt thương mại của WTO. Ảnh: euobserver

Nhiều tập đoàn thương mại và sản xuất của Mỹ, vốn đang lo ngại về quyết định của WTO, đã hoan nghênh việc đưa nội dung trên vào dự thảo ngân sách chính phủ.

Trong một tuyên bố, Hiệp hội Các nhà sản xuất Mỹ nhận định việc bỏ đi một số điều khoản của COOL là phương án khả thi duy nhất hiện nay để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và ngăn chặn các biện pháp trả đũa của Canada và Mexico có thể gây thiệt hại đáng kể cho Mỹ nếu được triển khai.

Trước đó, ngày 7/12, WTO đã "bật đèn xanh" cho phép Canada và Mexico áp các quy định thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ để bù lại khoản thiệt hại do Mỹ áp dụng COOL.

Cụ thể, Canada - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, được phép áp mức thuế lên tới 780 triệu USD mỗi năm, trong khi Mexico - đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ, có thể đánh thuế lên tới 227,8 triệu USD/năm.

Phán quyết còn nêu rõ chương trình dán nhãn các sản phẩm thịt của Mỹ là "không công bằng" do phân biệt đối xử đối các sản phẩm thịt gia súc nhập khẩu từ hai thị trường trên và thị trường nội địa.

Mỹ áp dụng COOL từ năm 2008 và tiến hành sửa đổi năm 2013 theo hướng quy định các sản phẩm thịt bò và thịt lợn đóng gói tiêu thụ trên thị trường Mỹ phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ từ con giống, nơi chăn nuôi đến nơi chế biến.

Những người ủng hộ COOL cho rằng việc sửa đổi là cần thiết nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng về xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, những người phản đối cho đây là sự phân biệt đối xử đối với những sản phẩm nhập khẩu (vào Mỹ), làm tăng thêm chi phí cho nhà sản xuất và vi phạm các quy định thương mại tự do./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục