Giải quyết các vướng mắc về mặt bằng các dự án truyền tải

08:23' - 12/01/2017
BNEWS Năm 2016, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã trình và được phê duyệt 160 phương án bồi thường giải phóng mặt bằng với giá trị bồi thường được duyệt là 194,33 tỷ đồng.
Đường dây 220kV Phan Thiết-Phú Mỹ 2.1. Ảnh: TTXVN

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, CPMB đang tập trung bám sát chính quyền địa phương các cấp để giải quyết kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện cho nhà thầu thi công công trình đảm bảo tiến độ.

Bên cạnh đó, CPMB chủ động phối hợp với các đơn vị thi công, tư vấn thiết kế và bám sát địa phương, tập trung thực hiện hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, không để xảy ra kéo dài xử lý các tồn tại, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và đóng điện.

Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra các hồ sơ trích lục đo đạc giải thửa của đơn vị Tư vấn và chủ động phối hợp với địa phương thông báo thu hồi đất, quy hoạch dự án, tổ chức giao tuyến và đền bù trước lúc các Nhà thầu triển khai thi công.

Riêng các dự án cấp bách, Ban tăng cường cán bộ thường xuyên có mặt tại tuyến để làm công tác đền bù và giải quyết các vướng mắc, có hướng xử lý kịp thời, tích cực làm việc với Lãnh đạo tỉnh và C hủ tịch H ội đồng bồi thường các huyện/ thị/ thành phố để có biện pháp giải quyết dứt điểm , phục vụ kéo dây và đóng điện theo kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, ngoài những dự án đảm bảo tiến độ đề ra, một số dự án còn chậm tiến độ do những nguyên nhân khách quan như thay đổi Luật Đất đai, các chính sách liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất hàng năm và xây dựng đơn giá đất cụ thể để tính toán bồi thường khi thu hồi đất, mức hỗ trợ đất trong hành lang tuyến, chính sách pháp luật liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất. Cụ thể như các dự án đường dây 220kV Phan Thiết-Phú Mỹ 2, Lưới điện 220kV đấu nối Nhà máy điện phân nhôm Đăk Nông.

Trạm biến áp 220kV Bảo Lâm về đêm. Ảnh: TTXVN

Ông Tuyển cho biết, khi thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án lưới điện, một trong những thắc mắc điển hình của các hộ dân bị ảnh hưởng là đơn giá bồi thường đất và mức hỗ trợ đất, nhà bị ảnh hưởng bởi hành lang; trong đó xuất phát từ đơn giá bồi thường không sát theo giá thị trường, đơn giá tại các vùng giáp ranxh giữa các tỉnh chênh lệch, mức hỗ trợ của các địa phương khác nhau.

Đơn cử như mức hỗ trợ hạn chế khả năng sử dụng đất trong hành lang là 30% (trước đây là 50-80%) đã gây không ít khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng. Hầu hết các địa phương và hộ dân đều không đồng tình với mức này trong khi cây trong hành lang phải giải tỏa, không được trồng mới.

Ngoài ra ông Tuyển cũng cho rằng vẫn còn một số tồn tại do chủ quan của bộ phận đền bù CPMB như: chưa bám sát để đưa ra biện pháp giải quyết các vướng mắc; chưa chủ động phối hợp với địa phương trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo Phòng còn thụ động trong việc kiểm tra, chỉ đạo nên một số công trình chưa đáp ứng kịp tiến độ đề ra.

Theo CPMB, trong năm 2016, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định liên quan như kế hoạch sử dụng đất hàng năm, xác định đơn giá đất cụ thể… nhưng Ban đã trình và được phê duyệt 160 phương án bồi thường giải phóng mặt bằng với giá trị bồi thường được duyệt là 194,33 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục