Hàng loạt hoạt động vì doanh nghiệp được triển khai

13:57' - 18/02/2018
BNEWS Cùng với chương trình hội nghị chính, VCCI đã tăng cường xúc tiến các cuộc gặp giữa đại diện Chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp xúc doanh nghiệp song phương.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong quý IV/2017 và đầu năm 2018, đơn vị này đã đại diện tổ chức hàng loạt hoạt động theo những nhiệm vụ được Chính phủ giao, nằm trong các chương trình nhằm cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Qua đó, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; cũng như kiến nghị tới các bộ, ban ngành chức năng để giảm chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, bên cạnh việc lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp góp ý cho nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Luật chăn nuôi; Luật quản lý; Luật dân quân tự vệ; Luật An ninh mạng… và nhiều văn bản dưới luật khác, VCCI còn phối hợp tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo, đối thoại quan trọng nhằm thảo luận về đề xuất các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Cụ thể như, tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ IV với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức Phát triển Bền vững” với sự tham dự của khoảng 350 đại biểu đại diện cho các cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí trong, ngoài nước.

Qua đó, tập trung thảo luận về sự cần thiết phải thúc đẩy và nhân rộng các giải pháp, mô hình kinh doanh sáng tạo để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững trong chương trình Nghị sự 2030; huy động sự tham gia hiệu quả của khu vực tư nhân trong việc thực hiện các cam kết của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; chia sẻ kinh nghiệm nhân rộng các mô hình kinh doanh bền vững…

Đây cũng là dịp để các nhà điều hành doanh nghiệp trực tiếp đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, qua đó giúp tăng cường hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có Diễn đàn “Doanh nhân nữ trong nền kinh tế số” với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ và các doanh nhân nữ tiêu biểu trên toàn quốc.

Qua đó, tạo cơ hội cho các doanh nhân nữ được cập nhật thông tin và chia sẻ kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp trong nền kinh tế số và áp dụng các công cụ truyền thông xã hội trong thương mại điện tử.

Những vấn đề doanh nhân nữ phải đối mặt và cần đổi mới tư duy để thích ứng, tận dụng cơ hội do nền kinh tế số và thương mại điện tử mang lại cũng được thảo luận tại diễn đàn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân nữ xây dựng chiến lược phát triển, vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.

VCCI cũng phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp 2017 với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” nhằm chỉ ra những rào cản, khó khăn thách thức mà thành phần kinh tế tư nhân đang gặp phải, qua đó tìm ra giải pháp hỗ trợ thành phần kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, ổn định và hiệu quả.

Song song đó, VCCI còn phối hợp với Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Thường niên 2017 (VBF) kỳ cuối năm 2017 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành cũng đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, một số tổ chức quốc tế và hiệp hội doanh nghiệp trong nước.

VBF đã tập trung thảo luận những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm như thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng suất và cải cách thủ tục hành chính. VBF kỳ cuối năm 2017 cũng là kỳ diễn đàn đánh dấu 20 năm thành lập VBF.

Qua đó, đề cao vai trò của khu vực tư nhân và được coi là bước tiến quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tại diễn đàn VBF kỳ cuối năm 2017, các hiệp hội đã kiến nghị 145 khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số giải pháp cải cách thể chế, thủ tục hành chính. Các kiến nghị này đều đều được các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu và xem xét giải quyết.

Không thể không nhắc tới sự phối hợp chặt chẽ giữa VCCI với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan khu vực phía Bắc tại Hà Nội vào ngày 27/11/2017 và khu vực phía Nam tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 29/11/2017.

Với sự tham gia của gần 1.000 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính là cung cấp thông tin tổng hợp về các thay đổi về chính sách, thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan và đối thoại giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và góp ý xây dựng các văn bản pháp luật từ phía các doanh nghiệp.

Ngoài ra, VCCI còn phối hợp Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Người sử dụng Lao động 2017 với chủ đề “Đối thoại với doanh nghiệp về nghiên cứu chính sách lao động, tiền lương và BHXH”; phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chương trình xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” năm 2017.

Đây là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh mối quan hệ tốt đẹp giữa người sử dụng lao động và người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế trước những thách thức hội nhập....

Một trong những hoạt động quan trọng trong năm 2017 liên quan tới hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam, chính là sáng kiến tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao APEC 2017 với sự chủ trì của VCCI.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, đã có 1.100 đại biểu nước ngoài, 900 đại biểu trong nước tham gia sự kiện này.

Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham dự tiếp xúc trực tiếp và thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư với các lãnh đạo và tổng giám đốc doanh nghiệp hàng đầu khu vực, đồng thời, cũng giúp các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu về tiềm năng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Với chủ đề “Việt Nam- Đối tác kinh doanh tin cậy”, VBS đã tập trung bàn về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. VBS bao gồm 3 phiên, có chủ đề lần lượt là: "Việt Nam – Đổi mới toàn diện vì phát triển bền vững"; "Việt Nam – Điểm đến thân thiện với doanh nghiệp".

Ngoài ra, còn có hội thảo chuyên đề về Nông nghiệp bền vững, Tài chính cho phát triển, Y tế và giáo dục, Cơ sở hạ tầng, Đặc khu kinh tế và tiềm năng du lịch, Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đây là hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh đầu tiên của Việt Nam và cũng là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay.

Song song đó là Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp (APEC CEO SUMMIT) trong ba ngày từ ngày 8-10/11. Đây là sự kiện quan trọng nhất của các doanh nghiệp trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Đây cũng là một hội nghị lớn nhất trong lịch sử tổ chức các hội nghị APEC CEO Summit (vượt xa con số 1500 đại biểu của APEC CEO Summit tại Trung Quốc vào năm 2014.

Hội nghị đã tập trung thảo luận những thách thức đặt ra đối với các chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa, vai trò của chính phủ và các công ty trong việc bảo đảm người lao động được đào tạo bài bản và có khả năng đảm nhận công việc trong tương lai.

Các đại biểu cũng thảo luận dưới nhiều lăng kính khác nhau về các giải pháp xử lý mối quan hệ giữa tự động hóa và bảo đảm việc làm trên toàn cầu.

Hội nghị cũng đưa ra các giải pháp khuyến nghị: đào tạo và giáo dục cần phản ánh nhu cầu của nền kinh tế; các chính phủ cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho người thất nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp cải cách để bảo vệ người lao động trước sự phát triển mạnh mẽ của quá trình tự động hóa.

Cùng với chương trình hội nghị chính, VCCI đã tăng cường xúc tiến các cuộc gặp giữa đại diện Chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp xúc doanh nghiệp song phương. Cụ thể như cuộc gặp song phương giữa đại diện lãnh đạo Chính phủ với các tập đoàn lớn; trong đó có các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ, Trung Quốc (7/11); cuộc tiếp xúc với Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ APEC (8/11)...

VCCI cũng hỗ trợ các địa phương gặp gỡ với các tổ chức quốc tế, các đoàn doanh nghiệp lớn của khu vực. Được biết, trong giai đoạn này, đã có 121 thỏa thuận với giá trị hơn 20 tỷ USD đã được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế.

Ngoài sự kiện lớn trên đây, VCCI còn triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong khuôn khổ các chuyến thăm và làm việc tại các nước của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như lãnh đạo các nước thăm và làm việc tại Việt Nam hoặc đoàn doanh nghiệp của các nước đến tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác ở Việt Nam.

Một số hoạt động nổi bật như sau: tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đi dự Hội nghị cấp cao ASEAN và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư ASEAN (ABIS), sự kiện được tổ chức bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các Hội nghị Cấp cao khác có liên quan; tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Slovakia” nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Slovakia; tổ chức diễn đàn Việt Nam – Nigeria; tổ chức Diễn đàn hợp tác Công nghiệp Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc); Tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Nga…

>>>Còn nhiều kiến nghị từ doanh nghiệp về cải thiện môi trường kinh doanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục