Hàng nghìn ha lúa, hoa màu và thủy sản bị "nuốt chửng" sau bão số 10

17:32' - 17/09/2017
BNEWS Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, toàn tỉnh Thái Bình có gần 1.000 ha lúa và hoa màu, khoảng 2.000 ha đầm nuôi ngao và trên 3.000 ha ao đầm nuôi trồng thủy sản ngoài đê chính bị thiệt hại nặng.
Một ruộng khoai lang Nhật của người dân ở xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, bị ngập úng sau bão. Ảnh: Nguyễn Công Hải – TTXVN

Mặc dù không phải là địa phương bị bão số 10 trực tiếp đổ bộ song theo thống kê ban đầu của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, toàn tỉnh có gần 1.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại do úng ngập, dập nát; khoảng 2.000 ha đầm nuôi ngao và trên 3.000 ha ao đầm nuôi trồng thủy sản ngoài đê chính bị thiệt hại nặng; gần 20km đê bao ngoài đê chính bị ngập nước và hư hại; một số tuyến kè, cống dưới đê chính bị sạt lở...

Trong đó sự cố sạt lở, tràn đê bao khiến nhiều xã của huyện Kiến Xương và Vũ Thư bị ngập nước, đặc biệt xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư) bị thiệt hại nhiều nhất. Sau cơn bão, người dân nơi đây đang khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và cuộc sống.

Xã Vũ Vân là xã thuần nông, nằm giáp sông Hồng, là địa bàn vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Vũ Thư. Xã có 5 thôn và Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn thuộc đơn vị hành chính của xã. Sau nhiều năm, người dân nơi đây mới lại chứng kiến cảnh nước tràn đê, ngập sâu, “nuốt chửng” hầu hết lúa, hoa màu và nhiều diện tích nuôi trồng thuỷ sản của bà con địa phương đến vậy.

Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Vũ Vân cho biết, toàn xã có 7 km đê bao, chỉ chịu được tác động báo động cấp 2. Do ảnh hưởng của bão số 10, vừa qua trên địa bàn đã có mưa lớn, hồ thuỷ điện Hoà Bình xả 3 cửa đáy dẫn đến mực nước sông Hồng dâng cao, tràn qua đê bao gây 10 điểm sạt, nơi sâu nhất nước dâng cao 1 mét so với mặt nền.

Nước dâng phủ kín toàn bộ vùng bãi, lấn sâu sát mép đê bối, uy hiếp an toàn của 3.000 người dân trong xã. Ngập lụt đã nhấn chìm 111,3 ha diện tích hoa màu và nuôi trồng thuỷ sản của 2.000 hộ dân, trong tổng số 370 ha diện tích đất nông nghiệp toàn xã. Trong đó có hơn 90 ha hoa màu, chủ yếu gồm ngô, khoai, bắp cải, một số loại hoa màu khác và 15 ha lúa, hơn 5 ha ao đầm.

Nông dân xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư) phá bỏ những diện tích ngô bị ngập nước, không thể cho thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Công Hải – TTXVN

Cơn bão đi qua, mực nước trên sông Hồng đã rút dần, trời đã nắng ráo, người dân bắt đầu ra đồng “vớt vát” những gì còn sót lại. Lội bì bõm trên cánh đồng nước vẫn còn ngập ngang người, bà Nguyễn Thị Lương (thôn Thái Sa, xã Vũ Vân) phải xót xa chặt đi những luống ngô non mà chỉ hơn một tháng nữa sẽ cho thu hoạch.

Gia đình bà đấu thầu 12 mẫu đất xã Vũ Vân với hơn 1 mẫu cỏ làm thức ăn cho trâu bò. Do ảnh hưởng của bão số 10 đã nhấn chìm toàn bộ diện tích cỏ. Lo lắng thiếu thức ăn cho đàn vật nuôi, bà Lương đi xin những diện tích ngô của họ hàng bị ngập nước, không thể cho thu hoạch, về cho trâu bò ăn.

Còn gia đình bà Lưu Thị Hảo, thôn Thái Sa gần như “trắng tay” sau bão, với 6 sào lúa và 1 mẫu bắp cải sắp đến ngày thu hoạch bị nước ngập úng. Toàn bộ diện tích rau màu của gia đình bà bị hỏng hoàn toàn. Tiếc của, tiếc công bà đành mang số bắp cải về cho lợn.

Gia đình ông Bùi Đình Phúc, xóm 8 thôn Thái Sa, xã Vũ Vân là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 10. Đầu năm 2016, ông Phúc đấu thầu 14 mẫu đất bãi của xã, đồng thời đầu tư khoảng 1 tỷ đồng cho con giống, ao đầm, phát triển mô hình chăn nuôi trang trại tổng hợp.

Chưa kịp thu hồi vốn thì thiệt hại sau cơn bão số 10 đã cuốn 40 con ngan vịt, 100 con gà, 10 mẫu hoa màu gồm khoai lang và hoa màu đều đã thối hỏng, ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

 Gia cố lại điểm sạt lở tại xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư). Ảnh: Nguyễn Công Hải – TTXVN

Ông Phúc chia sẻ, người nông dân từ bao đời nay gắn bó với nông nghiệp, gặp thiên tai mất mùa là điều không tránh khỏi. Mặc dù vậy, ông không từ bỏ, tiếp tục khôi phục lại trang trại, phát triển sản xuất trong thời gian tới. Nguyện vọng của ông là sớm được các cơ quan chức năng hỗ trợ về các khoản vay hoặc giãn nợ để những người dân bị thiệt hại như gia đình ông có thể yên tâm tái sản xuất.

Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Vũ Vân cho biết, hiện tại xã đang tiếp tục gia cố lại những điểm sạt lở, bảo vệ an toàn đê điều trên địa bàn, đồng thời động viên người dân cứu những diện tích lúa, hoa màu có thể còn phát triển cho thu hoạch được. Với những diện tích không thể phục hồi, động viên nông dân vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị diện tích gieo trồng cây màu vụ đông./.

>> Khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra tại Hải Dương

>> Hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh sau bão số 10

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục