Hậu Olympic PyeongChang: Mỹ-Triều đối thoại hay xung đột? (Phần 2)

06:30' - 06/03/2018
BNEWS Triều Tiên cáo buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: EPA

Một quan chức Trung Quốc giấu tên nói với hãng tin Reuters rằng những bước đi mang tính cấm vận mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên cần được thực hiện dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, một giới chức cấp cao của Mỹ tiết lộ Washington lại hy vọng sẽ sớm triển khai các chiến dịch chặn giữ như vậy ngay cả khi các cuộc thảo luận với đồng minh chưa hoàn tất.

Giới chuyên gia Mỹ đang nghiên cứu các cơ sở pháp lý để tiến hành các chiến dịch với các tàu thuyền vi phạm lệnh trừng phạt, viện dẫn nghị quyết gần đây nhất của Hội đồng Bảo an LHQ.

Một nghị sĩ đảng cầm quyền Nhật Bản tiết lộ các cuộc thảo luận với Mỹ tập trung vào việc đẩy mạnh hợp tác về cơ chế giám sát và chia sẻ thông tin giữa Washington, Tokyo và Seoul liên quan việc chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác bị tình nghi vi phạm lệnh cấm vận, cũng như sự cần thiết thông báo cho giới chức của nước mà các tàu này xuất phát ban đầu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin trả lời báo giới ở Washington hôm 23/2 rằng Mỹ không loại trừ việc nhân viên công lực Mỹ sẽ trực tiếp lên tàu Triều Tiên để kiểm tra, song giới chức Mỹ cho rằng hành động này cần tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Giới chức Mỹ chia sẻ rằng chính quyền Trump cũng đã tìm kiếm sự hợp tác sâu rộng hơn từ các quốc gia Đông Nam Á, vốn có thể có ít năng lực quân sự song lại được đánh giá là những nguồn cung cấp thông tin tình báo về sự di chuyển của các tàu thuyền.

Ông Chris Ford, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhận định: “Càng có thêm nhiều đối tác, thì càng có nhiều tài nguyên cho nỗ lực này”. Tuy nhiên, quan chức này từ chối bình luận về việc Washington đã thảo luận với nước cụ thể nào ở Đông Nam Á.

Sáng kiến của Mỹ, đang được xây dựng, sẽ gặp phải những thách thức, trong đó có nguy cơ kích động sự đáp trả của Triều Tiên và gây chia rẽ cộng đồng quốc tế. Trung Quốc và Nga có thể sẽ phản đối sáng kiến này nếu Bắc Kinh và Moskva cho rằng Washington đang đi quá xa.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 24/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) nêu rõ Trung Quốc cực lực phản đối quyền tài phán "quá phận" của Mỹ và các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào các thực thể và cá nhân Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Trung Quốc đã hoàn thành mọi trách nhiệm khi thực thi đầy đủ và toàn diện các nghị quyết trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên, cũng như không bao giờ cho phép người dân, doanh nghiệp nước này tham gia các hoạt động vi phạm các nghị quyết của LHQ.

Trên kênh thông tấn chính thức, Triều Tiên ngày 25/2 cáo buộc chính quyền của Tổng thống Trump làm gia tăng nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng bất chấp những cải thiện gần đây trong quan hệ liên Triều.

Trong một tuyên bố bằng tiếng Anh do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, một người phát ngôn giấu tên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh mọi hình thức "phong tỏa" mà Mỹ áp đặt với Triều Tiên sẽ bị coi là hành động chiến tranh.

Tuyên bố nêu rõ Mỹ đang mang "một đám mây đen đối đầu và chiến tranh nữa" đến bán đảo Triều Tiên bằng việc công bố các biện pháp trừng phạt mới trên diện rộng đối với Triều Tiên.

Tuyên bố cũng khẳng định Triều Tiên sở hữu các vũ khí hạt nhân có thể đối phó với các đe dọa của Washington, đồng thời cho rằng Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về "tất cả những hậu quả thảm khốc" khi bán đảo Triều Tiên bị đẩy đến "miệng hố chiến tranh" do cách hành xử bất chấp của nước này.

Tác giả bài viết trên tạp chí National Interest đặt câu hỏi rằng: liệu các biện pháp trừng phạt có thể đảo lộn nguy cơ xảy ra chiến tranh và đưa đến các cuộc đối thoại ngoại giao hay không? Hay trừng phạt chỉ gây ra một cuộc xung đột mà có thể nhanh chóng biến thành một thảm họa quân sự, lôi kéo sự tham gia của các cường quốc bên ngoài và dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới thứ ba?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục