Hiện đại hóa lưới truyền tải điện - Bài 3: Chìa khóa thực hiện mục tiêu

06:03' - 16/10/2017
BNEWS Để xác định chính xác vị trí sự cố trên đường dây, tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm, xử lý sự cố nhanh chóng..., việc trang bị lắp đặt thiết bị định vị sự cố trên các cung đoạn đường dây là cần thiết.
Trạm biến áp 220 kV Mỹ Phước. Ảnh: Mai Phương/TTXVN

Hệ thống đường dây 500, 220 kV trải dài từ Bắc vào Nam, với nhiều tuyến đường dây đi qua địa hình rừng rậm, núi cao, suối sâu và sình lầy. Một số đường dây đường đi vào tuyến rất khó khăn, ảnh hưởng đến công tác quản lý vận hành, đặc biệt là kiểm tra xử lý sự cố xảy ra trên đường dây.

Nhiều cung đoạn thậm chí vô cùng hiểm trở, nằm cách rất xa đường công vụ, gây trở ngại rất lớn cho việc kiểm tra, quản lý vận hành và xử lý sự cố.

Mặt khác, tình hình thời tiết khí hậu khắc nghiệt cũng ảnh hưởng rất lớn đến vận hành và xử lý sự cố lưới điện. Vào các tháng mùa mưa bão, gió lớn và giống sét thường xảy ra sự cố phóng điện do gió lốc gây phóng điện trên dây dẫn, do sét đánh gây phóng điện qua chuỗi sứ, đứt dây lèo, hư hỏng dây dẫn, phụ kiện…. Vào các tháng mùa khô nắng nóng, gió lốc, sương mù thường xảy ra sự cố do cháy rừng, đốt rẫy, phóng điện qua chuỗi sứ do cách điện sứ bị nhiễm bẩn.

Bên cạnh đó, tình trạng các cây cao nằm gần hành lang, nhất là cây cao su được các nông trường trồng rất nhiều dọc hành lang đường dây… cũng đều có nguy cơ dẫn đễn các sự cố trên đường dây.

Vì vậy, để xác định chính xác vị trí sự cố trên đường dây, tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm, xử lý sự cố nhanh chóng và giảm các chi phí trong quá trình kiểm tra tuyến đường dây sau sự cố, việc trang bị lắp đặt thiết bị định vị sự cố trên các cung đoạn đường dây là cần thiết để người công nhân quản lý vận hành sớm xác định chính xác được điểm sự cố xảy ra.

Từ đó kịp thời khắc phục hậu quả sự cố nhanh nhất và đảm bảo hệ thống được cung cấp điện liên tục, an toàn và tin cậy nhất. Thiết bị định vị sự cố cũng giúp tìm ra nguyên nhân gây sự cố để từ đó có nhưng biện pháp xử lý, không để sự cố tương tự lặp lại và ngăn ngừa sự cố trong tương lai.

Với mục tiêu “nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, xây dựng hệ thống truyền tải điện Quốc gia đồng bộ, hiện đại”, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang đặt ra một số chỉ tiêu chính như: đến năm 2020 đảm bảo chỉ tiêu xử lý sự cố lưới điện 500 kV, 220 kV trung bình là 30 phút; tổn thất điện năng 1,8%....

Hệ thống truyền tải điện Quốc gia đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 cho các thiết bị chính và tiêu chuẩn N-2 tại một số khu vực quan trọng...  

Do vậy, EVNNPT xác định ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) là yếu tố then chốt và là chìa khóa để thực hiện các mục tiêu cụ thể đó.

Vì vậy, Tổng công ty sẽ đầu tư khoảng 144 tỷ đồng trang bị thiết bị định vị sự cố cho 69 tuyến đường dây từ 220-500 kV và ưu tiên cho những đường dây dài, đi qua nhiều địa hình đối nối phức tạp, khi có sự cố sẽ phải dốc toàn lực để khắc phục, nhất là những sự cố do sét đánh.

Để nâng cao hiệu quả ứng dụng KHCN trong quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty đã thành lập Công ty Dịch vụ kỹ thuật tiếp nhận các công nghệ về sửa chữa, bảo dưỡng và tự động hóa lưới điện truyền tải.

Cùng với đó là tập trung thực hiện hiệu quả hàng chục dự án công nghệ mới đang triển khai như: dự án Trung tâm điều khiển từ xa, đề án Lưới điện thông minh; Nghiên cứu sử dụng hệ thống pin mặt trời phục vụ cấp điện tự dùng tại các trạm biến áp; Ứng dụng công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng không cắt điện; Ứng dụng dây dẫn tổn thất thấp trên lưới truyền tải; Lắp đặt hệ thống thu thập thông tin, giám sát, cảnh báo sét; Nghiên cứu ứng dụng dùng FLYCAM để kiểm tra đường dây; Thử nghiệm sơn phủ cách điện đường dây, trạm biến áp bằng chất PRTV...

Tổng Công ty phấn đấu hết năm 2017 hoàn thành triển khai hệ thống giám sát truyền dẫn và mạng WAN; triển khai ISO 27001 về quản lý an ninh thông tin trong công tác quản lý và vận hành trạm biến áp, Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN mới vào quản lý vận hành và đầu tư phát triển lưới điện truyền tải.

Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện chủ đề năm 2017 về “Đẩy mạnh khoa học công nghệ” của EVNNPT, ông Phạm Lê Phú - Phó Tổng Giám đốc EVNNPT đã yêu cầu Công ty Truyền tải điện 1 tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các Dự án trong năm như: Ứng dụng quản lý kỹ thuật trên nền hệ thống thông tin địa lý; Lắp đặt hệ thống thu thập thông tin, giám sát, cảnh báo sét; Xây dựng phòng LAB; Xây dựng trung tâm dữ liệu của EVN; triển khai ISO 27001…

Bên cạnh đó, theo dõi kết quả thử nghiệm ứng dụng chống sét van đường dây 500 kV; sơn phủ cách điện đường dây, trạm biến áp để báo cáo Tổng Công ty. Đồng thời khẩn trương báo cáo Tổng Công ty giải pháp thi công, sửa chữa kéo dây dẫn vượt đường dây 110 kV, trung thế; trong đó, thử nghiệm 1 đường dây cụ thể.

Đối với các chương trình liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, PTC1 sẽ ứng dụng quản lý kỹ thuật trên nền hệ thống thông tin địa lý; Chương trình quản lý kỹ thuật PMIS; Phần mềm quản lý tiền lương, quản lý nhân sự …; trong đó xem xét khả năng kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu của nhau để tận dụng tài nguyên, tránh đầu tư rời rạc, chồng chéo và không thống nhất.

Trạm biến áp 500 kV Mỹ Tho. Ảnh: Mai Phương/TTXVN

Ông Phạm Lê Phú cũng yêu cầu nhà thầu cung cấp phối hợp chặt chẽ với các Công ty Truyền tải điện triển khai lắp đặt, thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị định vị sự cố trên các đường dây 220 kV, 500 kV đảm bảo tiến độ theo đúng yêu cầu đặt ra. Riêng Công ty Truyền tải điện 4 theo dõi kết quả thử nghiệm sơn phủ cách điện TBA 500 kV Duyên Hải để đánh giá kết quả và báo cáo Tổng công ty.

Về phía các Ban Quản lý dự án có trách nhiệm thúc đẩy phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của đơn vị, tổ chức họp xét duyệt và khen thưởng kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, giải pháp ứng dụng hiệu quả trong quản lý, sản xuất. Đồng thời tăng cường ứng dụng, áp dụng các công nghệ mới nhằm tăng hiệu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng của đơn vị cũng như của EVNNPT.

Với Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện, hiện EVNNPT đã giao phối hợp với PTC1 triển khai thực hiện đề tài Nghiên cứu sử dụng phần mềm giám sát và điều khiển TBA độc lập với nhà sản xuất thiết bị, điều khiển. Mặt khác, tiếp nhận và xem xét điều chuyển sử dụng thiết bị lọc dầu online (dự án do PTC1 đang triển khai thực hiện) cho các TBA phù hợp.

Ngoài ra, để đẩy mạnh KHCN nhằm hiện đại hóa hệ thống truyền tải điện Quốc gia trong thời gian tới, EVNNPT còn đề ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể về tổ chức quản lý; Nghiên cứu khoa học; Ứng dụng công nghệ mới; Phát triển công nghệ thông tin; Thúc đẩy hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực....

Mục tiêu của EVNNPT là tiếp tục triển khai các chương trình thuộc Đề án Lưới điện thông minh; Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện TBA không người trực, đảm bảo hết năm 2020 sẽ chuyển 60% TBA 220 kV theo tiêu chí trạm không người trực; Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các giải pháp giảm thiểu sự cố, Ứng dụng công nghệ mới để giảm tổn thất lưới điện truyền tải.

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khảo sát, lập thiết kế, dự toán dự án để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án đầu tư xây dựng trong Tổng Công ty./.

>>> Hiện đại hóa lưới điện truyền tải – Bài 1: Hiệu quả từ ứng dụng KHCN

>>> Hiện đại hóa lưới điện truyền tải – Bài 2: Triển khai từ miền Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục