Hội nghị về Nghị định 116: Tiếp thu ý kiến nhiều chiều
Sáng 26/2, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức hội nghị với các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan có liên quan về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Cùng dự có ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT; ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; đại diện Đại sứ quán các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là các cơ quan, đơn vị phải bắt tay ngay vào công việc, đặc biệt là những công việc tồn đọng do nghỉ Tết, những công việc và thủ tục trực tiếp liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhân dân.
Thời gian qua, sau khi Nghị định số 116/2017/NĐ-CP và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT được ban hành, VPCP đã nhận được một số phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, cơ quan báo chí liên quan đến khó khăn, vướng mắc, bất cập tại 2 văn bản trên, nhất là trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô. Vì vậy, VPCP tổ chức cuộc họp này với mong muốn lắng nghe, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc cụ thể của các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, Việt Nam là nước đang phát triển, hội nhập sâu rộng, tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, song Việt Nam cũng cần có bước đi của mình. Việt Nam tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu ô tô, nhưng cũng cần bảo đảm nền sản xuất tự chủ. Việt Nam không đặt vấn đề bảo hộ tuyệt đại đa số với sản xuất trong nước nhưng cũng phải có quan tâm một mức độ nào đó.
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng với các nhà đầu tư trong lĩnh vực ô tô, Việt Nam đã có những chủ trương, cơ chế, chính sách hết sức nhất quán để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Chẳng hạn riêng tại Vĩnh Phúc, năm 2017, ngân sách đã hụt thu khoảng 4-5 nghìn tỷ do những chính sách ưu đãi thuế với thiết bị ô tô.
Hội nghị hôm nay nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp để sửa đổi, hoàn thiện các quy định tại 2 văn bản nêu trên đáp ứng theo đúng thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm các yêu cầu về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường…
* Hai luồng ý kiến
Tại hội nghị, đã có những tranh luận thẳng thắn liên quan đến Nghị định 116, Thông tư 03 và không khí đã có lúc trở nên khá gay gắt với có hai luồng ý kiến.
Luồng ý kiến thứ nhất của một số doanh nghiệp như Toyota, Ford, GM… Các doanh nghiệp này bày tỏ quan ngại sâu sắc trước một số quy định hành chính trong Nghị định 116, cho rằng các quy định này không theo thông lệ quốc tế, làm gián đoạn và hầu như ngưng hoạt động nhập khẩu ô tô vào Việt Nam.
Cụ thể, họ cho rằng quy định về “giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài” là không phù hợp thông lệ quốc tế. Các nước chỉ cấp chứng nhận với xe lưu hành trong nước, chứ không chứng nhận cho xe xuất khẩu.
Quy định kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu cũng được cho là gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này cũng không đồng tình với quy định phải có đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800m bởi những khó khăn, tốn kém về quỹ đất, đầu tư; hơn nữa, các hãng xe có những công nghệ khác nhau để bảo đảm chất lượng, không nhất thiết phải có đường thử dài 800m…
Hơn nữa, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam cho biết các doanh nghiệp chỉ có thời gian chuẩn bị ngắn trước khi Nghị định có hiệu lực.
“Hiện Ford vẫn chưa dám nhận đơn hàng vì nếu xe không đạt yêu cầu sẽ phải buộc tái xuất, nhưng tái xuất đi đâu là cả một vấn đề, vì các nước có những yêu cầu khác nhau”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, luồng ý kiến thứ hai đến từ đại diện các doanh nghiệp như Trường Hải, Hyundai Thành Công, họ liên tục đưa ra các ý kiến phản biện.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hải khẳng định giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là rất cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Ông Dương cũng cho rằng giấy chứng nhận này không nhất thiết phải do cơ quan nhà nước các nước cấp, mà có thể do các tổ chức có thẩm quyền khác, chẳng hạn xe của Đức có thể xin các giấy chứng nhận từ các tổ chức ở quốc gia khác.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công cũng đồng tình với Trường Hải và nhấn mạnh rằng nếu ô tô sản xuất trong nước phải qua thử nghiệm thì xe nhập khẩu cũng phải thử nghiệm.
Còn giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đầu tiên để các cơ quan nhà nước và cả người tiêu dùng đánh giá xem chiếc xe nhập khẩu có đáp ứng được yêu cầu hay không.
Cả ông Trần Bá Dương và ông Lê Ngọc Đức đều cho rằng Nghị định 116 đã tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ô tô.“Tôi nghĩ không nên hoãn việc thực thi Nghị định, bởi như thế sẽ không công bằng với các doanh nghiệp đang nỗ lực, cố gắng để đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định”, ông Dương nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đều nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
“Chúng tôi hết sức lắng nghe với tinh thần cầu thị, không bao giờ có ý tưởng tạo rào cản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện có thể có những khó khăn, vướng mắc, các bên phải ngồi lại với nhau để hoàn thiện hành lang pháp lý”, Thứ trưởng Thọ nói và cho biết các vướng mắc cụ thể cũng sẽ được giải quyết, ví dụ với các lô hàng được ký hợp đồng trước khi Nghị định có hiệu lực sẽ được xem xét, xử lý phù hợp.
* Sẽ có các giải pháp sớm nhất
Sau khi lắng nghe 16 ý kiến, phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định Nghị định 116 được xây dựng công phu, trước khi ban hành đã lấy ý kiến các doanh nghiệp, các đối tượng tác động.
Chủ trương là tạo cơ chế chính sách tốt hơn nhằm thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để sản xuất ô tô chất lượng. Cùng với đó, Chính phủ cũng tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt bỏ các rào cản, thủ tục bất hợp lý; đồng thời quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Theo Bộ trưởng, các vấn đề đã được nêu ra tại Hội nghị rất rõ, trong đó nhiều vấn đề cần nghiêm túc xem xét thấu đáo.
“Ngay cả Thông tư 03, tại sao lại đưa ra những điều kiện như bản sao giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, rồi bổ sung yêu cầu về “hóa đơn thương mại” có ý nghĩa gì?”, Bộ trưởng đặt vấn đề và nhấn mạnh yêu cầu phải tạo sự bình đẳng trong sản xuất và kinh doanh.
Bộ trưởng đề nghị các cơ quan nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Việt Nam là phát triển ngành công nghiệp ô tô để dần từng bước tự chủ và tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa thông qua các cơ chế, chính sách và chính sách thuế. Không đặt rào cản hành chính để tạo chi phí, ví dụ việc thử nghiệm từng lô xe mất tới 2 tháng và chi phí 10.000 USD thì các cơ quan phải nghiêm túc xem xét.
“Hôm nay, chúng tôi không kết luận tại đây mà sẽ tiếp thu nghiêm túc và sẽ đưa ra giải pháp sớm nhất. Chậm nhất, trong tuần sau sẽ họp các bộ, cơ quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề”, Bộ trưởng cho biết và đề nghị Bộ Công Thương, Bộ GTVT và các cơ quan của VPCP tiếp thu, đưa ra các lý giải hết sức thỏa đáng với các doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã nghe cả hai chiều, xin ghi nhận và tiếp thu toàn bộ các ý kiến. Đây là hội nghị rất quan trọng để làm rõ hơn về Nghị định 116, các yêu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội để chúng tôi báo cáo Thủ tướng các giải pháp cụ thể”, Bộ trưởng phát biểu kết thúc hội nghị./.
Xem thêm:
>>>Honda và Toyota “trần tình” về việc tạm ngừng nhập khẩu ô tô về Việt Nam
>>>Quy định mới về kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô
Tin liên quan
-
Thị trường
Xu hướng tiêu dùng xe ô tô cỡ nhỏ giá rẻ và Crossover
07:01' - 26/02/2018
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng, thời gian gần đây các nhà sản xuất lắp xe ô tô đã và đang phát triển dòng xe cỡ nhỏ, giá rẻ và dòng Crossover/SUV để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ cáo buộc Nhật Bản dựng hàng rào phi thuế quan đối với ô tô
14:51' - 22/02/2018
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/2 đã cáo buộc Nhật Bản dựng lên nhiều hàng rào phi thuế quan đối với ô tô Mỹ, đồng thời hối thúc Tokyo mở cửa hơn nữa thị trường ô tô của nước này.
-
Hàng hoá
Thu hồi hơn 53.000 ô tô tại Hàn Quốc do lỗi kỹ thuật
14:28' - 22/02/2018
Bộ Giao thông Hàn Quốc cho biết 4 nhà sản xuất ô tô sẽ tiến hành thu hồi hơn 53.000 xe tại nước này do một số lỗi kỹ thuật.
-
Kinh tế & Xã hội
Vấn đề ô tô vẫn là rào cản khó khăn nhất của NAFTA
12:19' - 21/02/2018
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland lưu ý ngành ô tô vẫn là rào cản khó khăn nhất của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
-
Hàng hoá
Triển vọng nào cho thị trường ô tô Việt Nam
16:04' - 20/02/2018
Với điều kiện kinh doanh mới, giá xe ô tô cả cũ lẫn mới về Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể, không như kỳ vọng của người tiêu dùng.
Tin cùng chuyên mục
-
DN cần biết
Bộ Công Thương ban hành mục tiêu chất lượng năm 2025
18:58' - 22/05/2025
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1392/QĐ-BCT về mục tiêu chất lượng và kế hoạch thực hiện mục tiêu chất lượng năm 2025.
-
DN cần biết
Bộ Công Thương triển khai kế hoạch đào tạo công nghệ 4.0
15:00' - 22/05/2025
Bộ Công Thương thực hiện Quyết định số 374/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030.
-
DN cần biết
Công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu
13:17' - 22/05/2025
Bộ Công Thương vừa công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.
-
DN cần biết
Liên kết chuỗi giá trị ngành gia cầm còn quá ít
13:08' - 22/05/2025
Ngày 22/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị với chủ đề “Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững”.
-
DN cần biết
Thêm 960 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc
11:07' - 22/05/2025
Đến nay, Việt Nam đang có 1.396 mã số vùng trồng và 188 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc.
-
DN cần biết
Mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại
16:02' - 21/05/2025
Các chuyên gia chia sẻ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ năm 2018 không chỉ là vấn đề song phương, mà đã lan rộng và ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
-
DN cần biết
Từ ngày 2/9, Hà Nội triển khai thẻ vé điện tử liên thông các phương tiện công cộng
17:12' - 20/05/2025
Dự kiến từ ngày 2/9, hệ thống vé liên thông tự động sẽ chính thức khai trương, không chỉ áp dụng cho các tuyến vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội mà mở rộng liên kết trên phạm vi toàn quốc.
-
DN cần biết
Nhật Bản đẩy sớm kế hoạch thử nghiệm nhiên liệu sinh học pha trộn vào xăng
13:21' - 20/05/2025
Nhật Bản sẽ thử nghiệm loại nhiên liệu pha trộn tối đa 10% nhiên liệu sinh học (chủ yếu được sản xuất từ ngô) với xăng tại một số địa phương vào tài khóa 2028, sớm 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
-
DN cần biết
Bộ Công Thương lấy ý kiến về nhập khẩu lá thuốc lá khô, gạo từ Campuchia
19:27' - 19/05/2025
Đây là bước triển khai quan trọng nhằm thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia ký kết ngày 28/4/2025.