Không được chủ quan vấn đề lạm phát trong các quý tiếp theo

10:46' - 02/04/2018
BNEWS Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan “không được chủ quan vấn đề lạm phát” trong các qúy tiếp theo để có những biện pháp phù hợp hơn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất -TTXVN

Sáng 2/4, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đây là phiên họp cuối Quý I, quý đầu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 với nhiều chỉ số tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ.

Với tính chất đặc biệt đó, tại Phiên họp lần này, nội dung về kinh tế xã hội được đưa lên đầu tiên thay vì công tác xây dựng pháp luật như thường lệ để Chính phủ thảo luận, đánh giá, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng cho cả năm.

Phát biểu khai mạc Phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau ¼ chặng đường của năm 2018, kinh tế xã hội Quý I tiếp tục tăng trưởng thuận lợi trên các lĩnh vực. GDP Quý I 2018 cao nhất trong 10 năm qua, đạt 7,38%.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, gấp đôi cùng kỳ 2017; nông nghiệp tăng 2,08%, lúa xuất khẩu tốt với giá cao, thủy sản tăng trưởng tốt, thị trường được mở rộng. Công nghiệp và xây dựng tăng 9,77%, cùng kỳ năm 2017 chỉ tăng 4,46%.

Đặc biệt, ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh đạt gần 14%. Dịch vụ tăng 6,7%, cùng kỳ năm 2017 tăng 6,36%, trong đó bán buôn bán lẻ tăng 7,45%.

Cùng với đó, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự tham gia 11 nước và Chile; tổ chức được Hội nghị quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Đặc biệt, Chính phủ đã tổ chức hết sức thành công Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) với nhiều sáng kiến của Việt Nam; đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh GMS. Các nước tham gia đều ủng hộ những vấn đề Việt Nam đưa ra. Hội nghị đã nâng cao vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng Quý I năm 2018 tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,6% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,4%).

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% so với cùng kỳ, bình quân mỗi tháng đạt 1,4 triệu lượt.

Tổng cầu tiếp tục phục hồi tốt. Xuất khẩu ước đạt 54,3 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 14,8%). Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ tăng 9,5%).

Thủ tướng cho biết, lúc 7giờ hôm nay ( 2/4), Thời báo tài chính NIKKEI (Nhật Bản) đã công bố chỉ số mua hàng của Việt Nam đạt 51,6 điểm và Việt Nam là một trong hai nước của Đông Nam Á có số điểm cao trên 50 điểm trong bối cảnh chỉ số này đều giảm ở các nền kinh tế khác.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Các địa phương đều tập trung lo cải thiện chỉ số PCI và mức trung bình của chỉ số bình này đạt cao nhất kể từ 2005 đến nay. Không khí sản xuất kinh doanh đầu tư lan rộng tại các địa phương.

Thị trường thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô và giá trị vốn hóa. Chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh 10 năm qua 1.170 điểm, khẳng định niềm tin tốt trong xã hội. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, văn hóa giáo dục, y tế chuyển biến tốt. Tỷ lệ thất nghiệp giảm 2,2 %.

Chỉ ra những vấn đề còn khó khăn, Thủ tướng cho biết, tốc độ thành lập mới doanh nghiệp tăng chậm lại, chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp kinh doanh khó khăn còn cao, cụ thể là số doanh nghiệp ngừng sản xuất và giải thể.

Thủ tướng đề nghị cần phân tích, làm rõ nguyên nhân thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp đổi mới phát triển sáng tạo để từ đó cải cách các vấn đề về cơ chế, chính sách thuế, đất đai để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

Nhấn mạnh “không phát triển sản xuất kinh doanh không giải quyết căn cơ các vấn đề của xã hội”, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tập trung rà soát “môi trường đầu tư còn những gì không thuận” để tiếp tục thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với đó, Thủ tướng cảnh báo mặc dù CPI tháng 3 giảm và Quý I tăng thấp nhưng lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng, cần cảnh giác do xu hướng giá dầu, hàng hóa cơ bản tăng, các vấn đề tăng lương, trung hòa ngoại tệ…

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan “không được chủ quan vấn đề lạm phát” trong các qúy tiếp theo để có những biện pháp phù hợp hơn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Các thành viên Chính phủ dự phiên họp. Ảnh: Thống Nhất -TTXVN

Thủ tướng cũng cho rằng, công nghiệp chế biến chế tạo từ nay đến cuối năm khó có thể duy trì mức tăng cao như cùng kỳ năm trước bởi đã tăng rất mạnh trong Quý I năm 2018.

Vấn đề thương mại toàn cầu có nguy cơ khó khăn do động thái bảo hộ thương mại của một số nền kinh tế lớn trên thế giới dẫn đến khó khăn cho tăng trưởng kinh tế trong nước.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ tiềm ẩn của những diễn biến phức tạp về thời tiết bởi Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu.

Thủ tướng bày tỏ lo lắng trước tình hình cháy nổ, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp với nhiều vụ việc nghiêm trọng, nhất là vụ cháy chung cư Carina Plaza làm 13 người thiệt mạng tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng yêu cầu trong Phiên họp, các bộ trưởng liên quan báo cáo, làm rõ thêm thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý vấn đề này bởi số lượng người dân sinh sống ở chung cư rất lớn, cần có những biện pháp mạnh để đảm bảo đời sống người dân.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đóng góp ý kiến vào kịch bản tăng trưởng 2018, theo hướng phấn đấu đạt ít nhất ở mức 6,7% (cao hơn mức Quốc hội giao 6,5%). Cùng với đó là khắc phục yếu kém tồn tại trong Quý I; tạo đà tăng trưởng cho năm 2019 và các năm tiếp theo.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế đến hết tháng 3/2018 ước đạt trên 308 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 23,4% dự toán, tăng 5,3% so với cùng kỳ; chi cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 290 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 19% dự toán, tăng 1,7%.

Tinh hình thiên tai tính chung cả Quý gây thiệt hại đáng kể đối với đời sống và sản xuất kinh doanh, ước tính giá trị thiệt hại hơn 178 tỷ đồng, cao gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Tình hình an toàn giao thông diễn biến phức tạp. Tuy số vụ tai nạn giao thông giảm 2,9% nhưng số người chết tăng 1,7% và số người bị thương tăng 18,2%.

Bình quân 1 ngày trong quý, cả nước xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông, làm 24 người chết, 14 người bị thương. Tính đến 15/3/2018, cả nước xảy ra 1.085 vụ cháy, nổ, làm 33 người chết và 66 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 413 tỷ đồng.

Trong sáng 2/4, Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2018; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục