Khu vực tự do thương mại Trung - Mỹ có thành hiện thực?

05:31' - 17/07/2017
BNEWS Vấn đề thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn có thể trở thành khởi nguồn của xung đột trước đó, hiện đang đổi hướng trở thành điểm đột phá trong quan hệ hai nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là nhận định của bài viết đăng trên tờ “Tín báo” (Hong Kong), giữa bối cảnh Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thực hiện chính sách thực dụng đối với Trung Quốc. Cùng với đó, giới học giả hai nước bắt đầu lên nghiên cứu thảo luận về khả năng đạt được Hiệp định thương mại tự do Trung - Mỹ.

Xuất phát từ lập trường của Trung Quốc, có nhiều lý do để hướng tới khu vực thương mại tự do Trung - Mỹ. Theo dự báo của Dự án nghiên cứu thương mại toàn cầu của Đại học Purdue (Mỹ), nếu đạt được thỏa thuận, đến năm 2025, Hiệp định thương mại tự do Trung - Mỹ sẽ đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Trung Quốc, xuất khẩu sang thị trường Mỹ dự kiến tăng 3,8%, nhập khẩu tăng 4,8%.

Các lĩnh vực hưởng lợi lớn nhất là ngành công nghiệp sản xuất, đặc biệt là quần áo, chế tạo thiết bị giao thông vận tải, năng lực sản xuất của Trung Quốc trong các lĩnh vực này sẽ được cải thiện.

Một lý do khác là vấn đề chuyển giao công nghệ cao. Mỹ luôn kiểm soát chặt chẽ Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao dựa trên các lý do như quyền sở hữu trí tuệ, an ninh quốc gia.

Nếu hai nước thông qua một thỏa thuận thương mại tự do rõ ràng, nguồn vốn của Mỹ đầu tư vào Trung Quốc có thể đi kèm với tiêu chuẩn chi tiết về chuyển giao công nghệ. Điều này có thể giúp nước này tránh phải áp đặt phong tỏa công nghệ đối với Trung Quốc.

Ở cấp độ chiến lược, “Đối thoại kinh tế chiến lược” giữa Trung Quốc và Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama vốn nhận được kỳ vọng lớn, nhưng qua nhiều vòng đàm phán giữa hai nước đều không có được hiệu quả thực tế. Cơ chế đối thoại nhiều lần nhưng không có kết quả, ngược lại tiếp tục làm trầm trọng thêm sự hoài nghi và bất mãn giữa hai nước.

Nếu Hiệp định thương mại tự do Trung - Mỹ bắt đầu đi vào đàm phán, hai bên sẽ tập trung chi tiết về chính sách, làm tăng lòng tin chiến lược, và tạo ra sự ổn định “quan hệ nước lớn kiểu mới G2” giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp những rủi ro mà Hiệp định thương mại tự do Trung - Mỹ đem lại cho Trung Quốc, đặc biệt là hợp lý hóa mối quan hệ giữa “mở cửa” và “cải cách kinh tế”. Giai đoạn phát triển kinh tế của hai nước khác nhau, ngành nghề ưu thế cũng có sự khác biệt, các ngành dịch vụ và công nghệ cao của Mỹ có sức cạnh tranh hơn so với Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc mở cửa thị trường đối với Mỹ, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải trực tiếp đối diện nhiều thách thức, điều này đi ngược lại quốc sách trong những năm gần đây của Trung Quốc là lấy “mạng liên kết nội bộ doanh nghiệp” để thúc đẩy kinh tế đầu tư mạo hiểm.

Ví dụ như thị trường điện ảnh Trung Quốc bị Hollywood lũng đoạn, điện ảnh trong nước luôn thua kém. Điều này khiến Chính phủ Trung Quốc lo ngại, chưa kể đến những ngành nghề lớn hơn như kinh tế Internet, điện lực. Ngành dịch vụ tài chính cũng ghi nhận tình hình tương tự.

Trải qua vài thập kỷ phát triển, các doanh nghiệp tài chính Trung Quốc luôn được hưởng chính sách bảo hộ, có mối quan hệ phức tạp với ban ngành chính quyền các cấp. Nếu hai nước đạt được hiệp định thương mại tự do, Trung Quốc sẽ phải loại bỏ chính sách bảo hộ và những rủi ro lớn đối với ngành tài chính của Đại lục sẽ là không tránh khỏi.

Các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc cũng luôn vận động hành lang để chính phủ duy trì chính sách bảo hộ, gây thêm những trở ngại cho đàm phán thương mại tự do Trung – Mỹ. Dựa vào những lý do như trên, việc đàm phán và duy trì sự ổn định thương mại tự do Trung – Mỹ dường như trở nên xa vời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục